08/01/2017 - 10:18

Cuộc đua UAV ngày càng gay cấn

Việc bùng nổ mua bán thiết bị bay không người lái (UAV) đã thúc đẩy các công ty khởi nghiệp nhanh chóng phát triển công nghệ ngăn chặn các máy bay này tiếp cận những khu vực bị cấm.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Tractica, thị trường UAV dự kiến sẽ đạt 5 tỉ USD vào năm 2021, trong đó, trung bình một UAV ở Mỹ có giá hơn 500 USD được trang bị nhiều tính năng từ camera độ phân giải cao cho đến hệ thống định vị toàn cầu GPS tích hợp. Trong hàng triệu khách hàng sắm UAV, có thể có cả bọn tội phạm hiện sử dụng các thiết bị bay này để buôn lậu ma túy, thả bom, do thám hoặc gây nhiễu không gian công cộng hoặc tuồn điện thoại, ma túy và vũ khí vào trong nhà tù, gây ra các vụ bạo loạn.

Hệ thống phát hiện và vô hiệu hóa UAV SkyDroner 500. Ảnh: Reuters

Theo Nic Jenzen-Jones, giám đốc công ty tư vấn vũ khí Armament Research Services, các nhóm vũ trang ở Iraq, Ukraine, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng sử dụng UAV để do thám hoặc cải tiến nó thành thiết bị nổ, kéo theo nỗi lo chiến thuật này có thể được áp dụng bên ngoài các vùng chiến sự.

Tình cảnh trên cũng đẩy cao nhu cầu phát triển công nghệ hiện đại để bắn hạ hoặc vô hiệu hóa UAV trái phép. Một phần nguyên nhân dẫn đến cuộc đua vũ khí này là do chính phủ một số nước chậm ban hành các qui định quản lý UAV. Hàng chục công ty khởi nghiệp đang nỗ lực phát triển các kỹ thuật bắn hạ UAV, từ triển khai chim săn mồi (ở Hà Lan), quăng lưới cho đến phóng dù bằng khí nén.

Riêng công ty DeDrone của Đức đã kết hợp các cảm biến, camera, máy phát hiện tín hiệu WiFi và máy quét tần số vô tuyến (RF) để chủ động theo dõi UAV ở những khu vực được xác định. Gần đây hơn, một số công ty khởi nghiệp bắt đầu chú trọng đến việc bẻ khóa các giao thức vô tuyến không dây (dùng để điều khiển hướng bay và trọng tải của UAV) để sau đó kiểm soát UAV và ngăn chặn nó chuyển tải các video thu được. Tiêu biểu trong số này là công ty TeleRadio Engineering ở Singapore, khi sử dụng tín hiệu RF ở thiết bị chống UAV SkyDroner 500 để theo dõi và kiểm soát UAV trước khi gửi phản hồi một video giúp xác nhận mục tiêu một cách trực quan. Trong khi đó, công ty DroneVison ở Đài Loan phát triển súng 2 nòng lớn có khả năng chặn tín hiệu GPS và chuyển tải video của UAV để buộc nó phải trở về nơi xuất phát.

Khách hàng của các công ty khởi nghiệp rất phong phú, từ cơ quan tình báo cho đến các khách sạn. Với súng 2 nòng của DroneVison, cảnh sát Đài Loan từng bắn hạ đến 40 UAV lượn quanh cao ốc Taipei 101 chỉ trong một ngày. Ngoài ra, một số khách sạn ở Trung Đông cũng đang liên hệ với ít nhất 2 công ty tương tự để mua thiết bị "trị tội" UAV vì lén chụp ảnh những vị khách nổi tiếng của họ.

THANH BÌNH (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết