02/12/2024 - 09:15

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung sẽ quyết liệt hơn 

Tham vọng dẫn đầu lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc đang gặp phải những trở ngại mới, đặc biệt sau dự đoán về động thái của chính quyền Mỹ sắp tới nhắm vào các ngành công nghiệp cốt lõi như chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).

Mỹ sẽ sớm công bố một loạt các biện pháp toàn diện nhằm hạn chế hơn nữa khả năng phát triển AI của Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Ông Trump coi Trung Quốc là đối thủ AI lớn nhất

Cuối tháng 9, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành dự thảo luật loại bỏ khỏi thị trường những phần mềm của Trung Quốc cùng linh kiện liên quan trong các loại xe có mức tự động hóa cấp độ 3 trở lên. Xe tự hành và nhiều loại sử dụng công nghệ kết nối không dây tiên tiến do đại lục phát triển cũng bị cấm thử nghiệm trên các tuyến đường ở Mỹ.

Hãng tin Reuters mới đây cho biết Nhà Trắng tiếp tục xem xét quy định hạn chế nguồn đầu tư của Mỹ vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc, nhất là những giao dịch có thể gây ra “mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng” với an ninh quốc gia. Quy định mới dự kiến có hiệu lực từ tháng 1-2025, tập trung lĩnh vực chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số mô hình AI tiên tiến. Washington cũng thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sản phẩm thuộc nền tảng phát triển các ứng dụng quân sự, giám sát, tình báo và an ninh mạng thế hệ tiếp theo.

Loạt động thái trên là một phần trong các nỗ lực được Nhà Trắng thực hiện suốt nhiều năm qua nhằm bảo vệ an ninh kinh tế, quan trọng hơn là ngăn Trung Quốc tận dụng tiến bộ của Mỹ để phát triển công nghệ lưỡng dụng. Theo giới phân tích, Trung Quốc đang dịch chuyển sang hình thức chủ nghĩa dân tộc công nghệ, liên kết trực tiếp tiến trình cải cách và năng lực công nghệ với an ninh quốc gia, thịnh vượng kinh tế và ổn định xã hội. Hành động này đồng thời đặt ra rủi ro cho sự phồn thịnh và an ninh kinh tế Mỹ, cũng như nhiều quốc gia khác.

Do đó, giới quan sát dự đoán Nhà Trắng với sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump sẽ càng thêm quyết đoán trong kiểm soát xuất khẩu công nghệ chiến lược. Trả lời phỏng vấn hồi tháng 6, ông Trump không che giấu lập trường coi Trung Quốc là “đối thủ lớn nhất” của Mỹ trong lĩnh vực AI. Gần đây, Ủy ban Ðánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung Quốc đã khuyến nghị Quốc hội lập dự án dành riêng cho cuộc đua năng lực Trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) với mức độ cấp bách gần giống Dự án Manhattan, chương trình bí mật nghiên cứu và phát triển bom nguyên tử trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Ngoài ra, sự hiện diện của một số tiếng nói cứng rắn với Bắc Kinh trong nội các sắp tới đồng nghĩa có nhiều biện pháp với phạm vi rộng hơn nhắm vào các loại hình khởi nghiệp khác của Trung Quốc, từ lĩnh vực công nghệ sinh học tới sản xuất pin.

Nguy cơ “chia cắt chiến lược”

Trong kịch bản về cuộc chiến công nghệ, các nhà quan sát cho biết Washington đang có nhiều lựa chọn trên bàn, từ kiểm soát xuất khẩu, thuế quan, lệnh cấm sản phẩm, sàng lọc nguồn đầu tư cho tới hạn chế luồng dữ liệu, khuyến khích chuyển đổi chuỗi cung ứng, gia tăng rào cản trao đổi học thuật - hợp tác nghiên cứu và khuyến khích mua hàng Mỹ. Mục tiêu cốt lõi là làm chậm tiến độ phát triển của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ then chốt, sau nữa là thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào Bắc Kinh và triệt tiêu cơ hội tiếp cận dữ liệu nhạy cảm của các công ty đại lục; từ đó bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, đẩy lùi sự cưỡng ép về kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh công nghiệp và thúc đẩy việc làm trong các ngành sản xuất. Tuy nhiên, cũng có cảnh báo về sự trả đũa “có mục tiêu và bất đối xứng” hơn từ Trung Quốc với các doanh nghiệp hoặc ngành nông nghiệp Mỹ là đối tượng mục tiêu.

Ngoài ra, biện pháp kiểm soát chặt chẽ của Mỹ và phương Tây có thể gây xáo trộn triển vọng của các công ty công nghệ Trung Quốc. Nhưng đây đồng thời là động lực giúp Bắc Kinh đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”. Hiện nước này cũng nỗ lực “xóa A”, tức loại bỏ công nghệ của Mỹ khỏi chuỗi cung ứng chiến lược và thay bằng những giải pháp trong nước. Tuy vẫn còn kém so với đối thủ cạnh tranh trong ngành bán dẫn, nhưng hầu hết các công ty Trung Quốc đang dần xây dựng được hệ sinh thái trong nước.

Dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ và các đồng minh thực thi chính sách “giảm rủi ro”, tức giảm hợp tác với Trung Quốc, nhưng chính quyền Trump 2.0 sắp tới được dự báo sẽ triển khai cái gọi là “chia cắt chiến lược” với Bắc Kinh.

Tổng thống đắc cử Trump đã đề cử luật sư Jamieson Greer giữ chức Ðại diện Thương mại Mỹ.  Ông Jamieson, từng là Chánh văn phòng của Ðại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump. Ông được đánh giá đã đóng vai trò tích cực trong việc áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc và các nước khác để chống lại các hoạt động thương mại không công bằng. Ông Greer từng kêu gọi “chia cắt chiến lược” khỏi Trung Quốc nhằm hướng tới hủy bỏ quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

MAI QUYÊN (Theo Wired, CNN)

Chia sẻ bài viết