17/03/2014 - 22:33

Cử tri Crimea đồng thuận theo Nga

Hàng ngàn người ủng hộ Nga ăn mừng sau khi có kết quả bỏ phiếu tại thủ phủ Simferopol. Ảnh: Reuters

Vượt ngoài mọi dự đoán, kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 16-3 cho thấy có tới 96,8% cử tri cộng hòa tự trị Crimea bỏ phiếu chấp thuận về với Liên bang Nga và điều này càng thôi thúc lãnh đạo hai bên đẩy nhanh tiến trình sáp nhập bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang chờ phía trước.

Sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, hàng chục ngàn người ủng hộ Mát-xcơ-va tại thủ phủ Simferopol bắt đầu đổ ra các con phố tổ chức ăn mừng, vẫy cờ và hô vang các khẩu hiệu ca ngợi nước Nga cùng Tổng thống Vladimir Putin. Theo người đứng đầu cơ quan bầu cử Mikhail Malyshev, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 83,1%, cao hơn dự đoán của những người phản đối kêu gọi tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý. Ông Malyshev cho biết thêm ủy ban bầu cử không thấy có bất kỳ khiếu nại nào trong ngày bỏ phiếu.

Phát biểu trước dân chúng ủng hộ tại quảng trường Lê-nin, Thủ tướng Crimea Sergey Aksyonov tuyên bố đây là "thời điểm lịch sử bởi chúng ta sẽ được trở về gia đình và bán đảo độc lập sẽ trở về với nước Nga". Ông cho biết nghị viện Crimea nhóm họp ngay trong ngày 17-3 để quyết định chính thức đệ đơn xin gia nhập Liên bang Nga và thông báo Crimea sẽ sớm đưa đồng rúp Nga vào sử dụng song song với đồng hryvna của Ukraina hiện nay. Đặc biệt, lãnh đạo Crimea còn nói rằng quân đội Ukraina có thể chọn lựa phục vụ nước Nga hoặc rời khỏi khu vực này trong hòa bình. Dự kiến, toàn bộ quá trình sáp nhập vào Nga sẽ kéo dài trong một năm và "Crimea vẫn muốn duy trì quan hệ với tất cả thực thể kinh tế, bao gồm cả Ukraina" – ông Aksyonov khẳng định. Từ Mát-xcơ-va, Phó Chủ tịch Hạ viện Nga Ilyas Umakhanov hôm qua tuyên bố cơ quan này sẽ thông qua dự luật cho phép sáp nhập Crimea vào Nga "trong một tương lai gần".

Trong khi đó, sau khi có kết quả kiểm phiếu sơ bộ tại Crimea, Tổng thống Barack Obama trong cuộc điện đàm với ông Putin nhấn mạnh Mỹ và cộng đồng quốc tế kiên quyết không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý vi phạm Hiến pháp Ukraina. Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng cho biết Mỹ và các nước đồng minh châu Âu sẵn sàng áp đặt thêm các hình phạt bổ sung nếu Mát-xcơ-va có hành động "đe dọa, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina". "Nga sẽ phải trả giá thêm" - ông Obama nhấn mạnh.

Theo BBC, ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) dự kiến áp đặt những biện pháp đã nêu trước đây bao gồm áp đặt lệnh cấm thị thực, đóng băng tài sản đối với một số quan chức Nga cũng như đình chỉ các cuộc đàm phán về thương mại với Mát-xcơ-va trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) ngày 17-3. Hãng tin Reuters cho biết danh sách cấm vận ban đầu có từ 120-130 lãnh đạo Nga trực tiếp can dự vào Crimea. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Áo Sebastian Kruz hôm qua cho biết không có lãnh đạo doanh nghiệp Nga nào nằm trong "danh sách đen" này.

Giới phân tích cho rằng Mỹ và EU khó có thể mạo hiểm trừng phạt kinh tế chống lại Nga do lo ngại sẽ bị tổn thất ngược nếu Nga đáp trả tương ứng. Dẫu vậy, Thứ trưởng Kinh tế Nga Sergei Belyakov cảnh báo rằng nền kinh tế nước này đang có "những dấu hiệu rõ ràng" của một cuộc khủng hoảng. Đồng rúp mất giá nhanh được cho là dấu hiệu quan trọng nhất. Nga có thể phải dốc hầu bao để trực tiếp hỗ trợ Crimea trước khả năng Ukraina cắt nguồn cung điện, nước cho bán đảo này.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, BBC, RT)

Chia sẻ bài viết