28/02/2021 - 21:25

COVID-19 đào sâu khoảng cách giàu, nghèo tại Hàn Quốc 

Sự lây lan nhanh chóng của đại dịch COVID-19 đã tô đậm thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn cầu, và Hàn Quốc không là ngoại lệ.

Một đường phố vắng vẻ tại Hàn Quốc trong mùa COVID-19.

Một đường phố vắng vẻ tại Hàn Quốc trong mùa COVID-19.

Nhận thấy được thực trạng đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nỗ lực thúc đẩy sự phục hồi công bằng hơn nhưng đang vấp phải sự phản đối từ các nhóm kinh doanh và phe đối lập.

Hàn Quốc đã phải vật lộn với bất bình đẳng kinh tế trước khi đại dịch COVID-19 khởi phát. Tình trạng này được Tổng thống Moon ưu tiên để mắt đến trong cuộc bầu cử năm 2017. Kể từ đó, nhà lãnh đạo xứ sở kim chi đã theo đuổi “chương trình nghị sự tăng trưởng dựa trên thu nhập”, gồm tăng lương tối thiểu, rút ngắn giờ làm và tạo ra việc làm mới, nhờ đó đã giúp giảm sự chênh lệch về thu nhập. Song, phần lớn nỗ lực của ông đang bị virus Corona đe dọa.

Bức tranh kinh tế và việc làm

Theo tờ The Diplomat, khủng hoảng kinh tế hồi năm ngoái đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với nhóm thu nhập thấp ở Hàn Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này đạt mức cao nhất trong vòng 21 năm qua, lên tới 5,4% vào tháng 1, với 982.000 người bị mất việc làm. Một khảo sát cho thấy gần 37% lao động không thường xuyên bị mất việc, gấp đôi so với lao động thường xuyên, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực như khách sạn, dịch vụ ăn uống, bán lẻ,... vốn sử dụng hơn 80% lực lượng lao động, đang phải vật lộn kiếm sống trong bối cảnh Seoul siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội, bất chấp các gói kích thích kinh tế trị giá hơn 27 tỉ USD của chính phủ.

Nền kinh tế tổng thể của Hàn Quốc chỉ bị COVID-19 tác động một cách tương đối hạn chế, chủ yếu là nhờ sự thành công của các tập đoàn lớn hay còn được gọi là chaebol. Theo đó, GDP của Hàn Quốc năm ngoái chỉ giảm 1%, thành tích tốt nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Điều này không chỉ nhờ vào khả năng của chính phủ trong việc ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch, trong khi vẫn giữ cho nền kinh tế vận hành trơn tru mà còn nhờ vào thành công về mặt xuất khẩu của các chaebol, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Trong tháng 1 vừa qua, xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng tăng thứ 3 liên tiếp. Riêng Samsung Electronics đã thu về nguồn lợi nhuận khủng. Tập đoàn công nghệ này tiết lộ, lợi nhuận tăng 30% trong năm ngoái do nhu cầu về chất bán dẫn tương đối ổn định. Được biết, 64 chaebol hàng đầu Hàn Quốc chiếm tới 84% GDP, nhưng chỉ giải quyết 10% việc làm tại nước này.

Người giàu chưa sẵn sàng chia sẻ

Để giải quyết tình trạng bất bình đẳng kinh tế, Chủ tịch đảng Dân chủ cầm quyền Lee Nak-yon mới đây đề xuất “chia sẻ lợi nhuận” nhằm khuyến khích các chaebol thành công trong thời kỳ đại dịch tự nguyện trao cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như những lao động tự do kém may mắn. Chính phủ Hàn Quốc cũng đưa ra một loạt các biện pháp giảm thuế nhằm thúc đẩy sự đóng góp của các chaebol và thành lập một quỹ đặc biệt.

Tuy nhiên, nỗ lực trên đã hứng phải chỉ trích từ phe đối lập. Họ cho rằng các biện pháp của chính quyền ông Moon chẳng giúp ích gì cho việc tạo ra tăng trưởng bền vững. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lo ngại các khoản đóng góp của họ chỉ mang danh nghĩa tự nguyện giữa lúc chính phủ gia tăng áp lực đối với họ.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hàn Quốc đứng thứ 26 trên thế giới về thu nhập bình quân đầu người với hơn 30.00USD/năm. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 15% dân số nước này sống dưới mức nghèo tương đối.

TRÍ VĂN (Theo The Diplomat, Nikkei Asia)

Chia sẻ bài viết