24/08/2020 - 07:20

Công nghiệp dầu cọ Malaysia “khát” nhân công 

Nền kinh tế Malaysia chủ yếu dựa vào dầu cọ và lao động chính của ngành công nghiệp sản xuất dầu cọ nước này thường đến từ Indonesia, Bangladesh và Ấn Độ. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã đặt bài toán nhân công trước sức ép cạnh tranh từ đối thủ khu vực là Indonesia.

Công nhân thu hoạch cọ dầu ở Malaysia. Ảnh: Reuters

Công nhân thu hoạch cọ dầu ở Malaysia. Ảnh: Reuters

Thiếu hụt nhân công trầm trọng đã làm giảm đến 25% sản lượng dầu cọ hàng năm của quốc gia Đông Nam Á, gây ra mức thiệt hại lên tới khoảng 2,8 tỉ USD. Và trong bối cảnh mùa sản xuất cao điểm từ tháng 9 đến tháng 11 sắp đến gần, các nhà sản xuất dầu cọ Malaysia đang ra sức tuyển dụng nhân công tại địa phương nhằm lấp đầy khoảng trống thiếu hụt lao động nước ngoài. Theo đó, nhiều công ty dựng cả biểu ngữ gần các đồn điền cọ dầu và đăng quảng cáo tuyển dụng trên mạng với nội dung hấp dẫn, như cung cấp cho lao động chỗ ở, nước sinh hoạt miễn phí và nhiều đặc quyền khác nhằm thu hút nhân công, từ phụ trách lái máy kéo đến thu hoạch.

Áp lực chưa từng có

Các hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 đã khiến nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu 37.000 công nhân, gần 10% tổng nhân lực của ngành. Hiệp hội Dầu cọ Malaysia (MPOA) cho rằng ngành công nghiệp dầu cọ nước này có thể “thất thoát” 70.000 lao động một khi biên giới các nước mở cửa trở lại. MPOA lo ngại, cuộc khủng hoảng lao động sẽ ảnh hưởng đến sản lượng dầu cọ của Malaysia trong năm nay, từ đó tạo lợi thế cho đối thủ trong khu vực là Indonesia, nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới vốn không có vấn đề thiếu hụt lao động. Chi phí sản xuất của  Malaysia cũng cao hơn Indonesia, với mức trung bình lần lượt là 406- 480 USD/tấn và 400-450 USD/tấn.

Một nghiên cứu cho thấy hơn 70% lao động tại các đồn điền dầu cọ Malaysia là người nước ngoài. Trong đó, các nước như Indonesia và Bangladesh cung cấp gần 85% nhân công cho các công ty dầu cọ như Sime Darby, IOI Corp, United Plantations. Ông Imran, nhà quản lý của đồn điền Sime Darby, cho biết đây là lần đầu tiên công ty này đứng trước áp lực phải tuyển lao động địa phương và cũng lần đầu tiên đối diện với đại dịch như COVID-19.

Người địa phương chê việc bẩn

Trong khi giới chuyên gia cho rằng so với lao động nước ngoài, việc sử dụng lao động Malaysia tại các đồn điền cọ dầu có thể giúp tiết kiệm chi phí tuyển dụng cũng như nhiều khoản phí khác, các chủ đồn điền lo ngại rằng công nhân địa phương, vốn thường xem công việc tại đồn điền là dơ bẩn và nguy hiểm, sẽ không cam kết làm việc lâu dài và đồng ý đảm nhận những công việc khó khăn. Dù tỷ lệ thất nghiệp ở Malaysia mùa COVID-19 tăng cao nhưng phần lớn các ứng viên tham gia tuyển dụng đều chọn các công việc cơ bản như lái xe, sửa máy hơn là những công việc vất vả như thu hoạch. “Việc tuyển dụng nhân công địa phương có thể làm giảm chi phí sản xuất nhưng liệu họ sẽ tạo ra năng suất như những lao động nhập cư?” - Giám đốc điều hành MPOA Nageeb Wahab đặt nghi vấn.

Và trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực trầm trọng, một số doanh nghiệp nhỏ vốn ít có khả năng giữ chân lao động nhập cư, đã phải dùng cách “phỗng tay trên” lao động từ các đối thủ cạnh tranh. “Việc này quả thật là rất tồi tệ nhưng tôi cần phải làm để tồn tại” - quản lý một doanh nghiệp sản xuất dầu cọ ở bang Sarawak bộc bạch.

Hướng tới cơ giới hóa

Chính sự thiếu hụt lao động đã khiến nhiều doanh nghiệp hướng tới kế hoạch cơ giới hóa ngành công nghiệp dầu cọ. Sime Darby, đồn điền trồng cọ có diện tích lớn nhất thế giới, cho biết đang nhanh chóng phát triển và thử nghiệm các loại “máy móc nhẹ” trong canh tác cọ dầu. Công ty này hiện đang ứng dụng công nghệ cảm biến và trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy “canh tác chính xác”, từ đó sử dụng hiệu quả nguyên liệu và nhân công.

Tương tự, Tập đoàn IOI Corp cho hay có kế hoạch cơ giới hóa quá trình bón phân, phun thuốc trừ sâu cũng như tự động hóa các hoạt động của đồn điền, trong khi Công ty nông nghiệp và hàng hóa nông nghiệp toàn cầu FGV Holdings dự định cơ giới hóa thêm 30.000 héc-ta diện tích đất trồng cọ trong vòng 3 năm tới. “Bằng cách hiện đại hóa toàn bộ các đồn điền cọ dầu với máy bay không người lái, AI và robot, chúng tôi có thể làm cho công việc trồng cọ trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân địa phương” - M.R. Chandran, quan chức kỳ cựu ngành công nghiệp sản xuất dầu cọ Malaysia, khẳng định.

Tuy nhiên, cơ giới hóa chỉ hỗ trợ một phần. Do trái cọ dễ vỡ, mỗi buồng cọ có thể nặng 45kg và cách mặt đất 18m, nên việc thu hoạch phần lớn phải làm bằng thủ công. So với đậu nành và cải dầu, thu hoạch trái cọ cần gấp 25 lần nhân công. 

TRÍ VĂN (Theo Reuters, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết