14/02/2025 - 18:28

Ðảm bảo chất lượng tôm nước lợ và giữ vững kim ngạch xuất khẩu 4-4,3 tỉ USD trong năm 2025 

(CT) - Ngày 14-2-2025, tại tỉnh Bạc Liêu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Ðức Tiến chủ trì Hội nghị phát triển ngành tôm nước lợ năm 2025. Ðại diện các tỉnh, thành ven biển, các nhà khoa học và nhiều doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực thủy sản tham dự.

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại ao nuôi ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh Bạc Liêu.

Theo Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2024, kết quả sản xuất nuôi tôm nước lợ đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng diện tích nuôi cả năm đạt 749.800ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó diện tích nuôi tập trung chủ yếu ở các tỉnh ven biển ÐBSCL, với 628.800ha tôm sú, tăng 1,1%; 121.000ha tôm thẻ chân trắng, tăng 5%); sản lượng thu hoạch được 1.290.500 tấn (tăng 15,3 % so với cùng kỳ năm 2023), trong đó sản lượng tôm sú đạt 338.800 tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 951.700 tấn. Kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 3,95 tỉ USD, tăng 14% so với năm 2023. Trong đó thị trường xuất khẩu mạnh nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc và một số nước EU…

Năm 2025, theo dự báo của các chuyên gia, ngành tôm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng có những tín hiệu tích cực hơn như sự phục hồi của một số thị trường chính (Mỹ, Nhật Bản, Eu). Ðặc biệt là những thay đổi về chính sách thuế của Mỹ đối với một số nước như Ecuador, Trung Quốc có thể là cơ hội xuất khẩu cho tôm Việt Nam… Năm 2025, các địa phương vùng ven biển có kế hoạch thả nuôi với diện tích 750.000ha (630.000ha tôm sú, 120.000ha tôm thẻ chân trắng); sản lượng thu hoạch khoảng 1,3-1,4 triệu tấn, trong đó 350.000 tấn tôm sú, 1.050.000 tấn tôm thẻ chân trắng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4-4,3 tỉ USD.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đề nghị đơn vị chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cần tăng cường kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm, nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu; chủ động đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp và kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch nuôi trồng phù hợp; tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên tôm nước lợ để có biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế thiệt hại cho người nuôi; tổ chức xây dựng, phát triển vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh; tạo điều kiện thuận lợi nhân rộng mô hình liên kết chuỗi giá trị trong nuôi tôm, mô hình nuôi giảm giá thành, mô hình nuôi theo chứng nhận chất lượng sản phẩm…

Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến ghi nhận đề nghị trên, đồng thời yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp các địa phương ven biển tiếp tục triển khai đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương đối với nhiệm vụ, mục tiêu, các nhóm giải pháp phát triển ngành với tư duy kinh tế thủy sản thay cho sản xuất thủy sản. Trong đó, tập trung theo dõi diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường để kịp thời tham mưu chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt các mục tiêu kế hoạch 2025. Tăng cường công tác quản lý và kiểm soát chất lượng giống tôm; phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, thanh tra tại các tỉnh trọng điểm, các cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để xử lý tận gốc các cơ sở vi phạm chất lượng, các cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất. Phối hợp chặt chẽ giữa công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh để chủ động dự báo chính xác và có cảnh báo sớm đến người dân. Quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh đảm bảo an toàn thực phẩm sản phẩm theo chuỗi giá trị; tăng cường phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp và hiệu quả với từng phương thức nuôi. Tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam…

Tin, ảnh: HÀ VĂN

 

Chia sẻ bài viết