13/02/2025 - 15:10

Ligue 1 trở thành nguồn cung cầu thủ phòng ngự cho EPL 

Thương vụ Manchester City chiêu mộ hậu vệ Abdukodir Khusanov từ Lens mới đây cho thấy các CLB Anh thường nhắm đến thị trường Ligue 1 khi cần nâng cấp hàng phòng ngự.

Hậu vệ Yoro (phải) gia nhập Manchester United từ Lille. Ảnh: Getty Images

Trong 3 mùa giải gần đây, các đội bóng hàng đầu ở Anh đã chi hơn 608 triệu USD để mang về các hậu vệ từ giải vô địch quốc gia Pháp Ligue 1. Tổng cộng, 13 đội tại giải Ngoại hạng Anh (EPL) đã ký hợp đồng với ít nhất một cầu thủ phòng ngự từ Ligue 1 kể từ năm 2022.

Trái ngược với vị trí "đội sổ" của Ligue 1, EPL là giải đấu mạnh nhất trong 5 giải hàng đầu châu Âu. Vậy tại sao Ligue 1 lại là mảnh đất tuyển dụng màu mỡ?

Ligue 1 tập trung phát triển tài năng trẻ

Với độ tuổi trung bình 26,2, Ligue 1 là giải đấu trẻ nhất trong 5 giải hàng đầu châu Âu. Ligue 1 (13,2%) cũng chỉ kém giải La Liga (21%) của Tây Ban Nha về số phút thi đấu dành cho các cầu thủ được đào tạo tại CLB.

Họ chủ yếu là những cầu thủ trẻ đầy triển vọng. Kể từ đầu mùa 2019-2020, Ligue 1 đã trao số phút thi đấu cho các hậu vệ U22 nhiều hơn 72% so với EPL và 65% so với La Liga.

Ngay từ nhỏ, các hậu vệ Ligue 1 đã bắt đầu thích nghi với khối lượng lớn bài tập thể lực và những yêu cầu chiến thuật khắt khe hơn ở đội một. Ðây là điểm khác biệt đáng kể so với EPL. Tại Anh, chỉ có 29% cầu thủ ra mắt ở đội một là được đôn lên từ đội trẻ của CLB. Tỷ lệ này ở Ligue 1 lên tới 48%.

Do chật vật đào tạo trung vệ trong nhiều năm gần đây, các CLB Anh đã phải "nhập khẩu" những cầu thủ đắt tiền hoặc cầu thủ tiềm năng nhất từ ​​các đội xếp hạng thấp hơn. Trong khi đó, bóng đá Pháp chú trọng phát triển tài năng trẻ đã tạo ra những cầu thủ sở hữu phẩm chất mà các đội bóng Anh rất cần.

Khả năng tiếp cận thị trường độc đáo

Hiện có tới 76 quốc gia đóng góp cầu thủ tại Ligue 1 mùa này, bao gồm Madagascar và Malta. Con số tương ứng ở EPL và giải vô địch quốc gia Ðức Bundesliga lần lượt là 61 và 58.

Ligue 1 luôn tiếp cận đa dạng thị trường cầu thủ hơn. Vấn đề tài chính giúp lý giải điều này khi các đội bóng Pháp với ngân sách eo hẹp hơn các đối thủ, nên buộc phải tìm kiếm những hợp đồng rẻ hơn ở xa. Ðơn cử như Khusanov, người mà Lens mua về từ Energetik-BGU của Belarus với giá chỉ hơn 100.000USD vào năm 2023.

Mặt khác, các CLB Ligue 1 cũng biết khai thác mạng lưới thị trường rộng lớn nhờ yếu tố lịch sử và văn hóa. Phần lớn châu Phi là những người nói tiếng Pháp, mang lại lợi thế tự nhiên cho các đội bóng tại quốc gia hình lục lăng khi thiết lập mạng lưới tuyển trạch.

Với việc không có giải đấu lớn nào khác chủ yếu nói tiếng Pháp, Ligue 1 thắng thế trong cuộc đua tuyển mộ những cầu thủ giỏi từ thế giới nói tiếng Pháp, kể cả các khu vực nhiều tài năng bóng đá ở phía Bắc và Tây Phi.

Chấp nhận bán cầu thủ

Ở Pháp, mọi CLB (ngoại trừ "gã nhà giàu" PSG) đều nhận thấy mô hình kinh doanh của họ phụ thuộc vào việc bán cầu thủ. Ðiều này đúng ngay cả với Marseille và Lyon, những đội bóng giàu truyền thống của bóng đá Pháp nhưng thua lỗ nặng trong vài năm gần đây.

Kể từ năm 2020, Lille đã thu về gần 210 triệu USD nhờ bán các cầu thủ phòng ngự, trong đó có Leny Yoro, Sven Botman.

MINH DŨNG

Chia sẻ bài viết