14/02/2025 - 13:42

Phát huy du lịch sinh thái, miệt vườn 

Du lịch xanh là chìa khóa quan trọng trong phát triển du lịch bền vững. Tại Cần Thơ, du lịch miệt vườn, sinh thái là những nền tảng phát huy giá trị du lịch xanh đa dạng và hiệu quả.

Du khách hái chôm chôm tại vườn trái cây Làng du lịch Mỹ Khánh.

Cần Thơ có diện tích đất nông nghiệp 114.034ha, trong đó diện tích cây ăn trái khoảng 25.000ha, chuyên canh đến 11.880ha. Bên cạnh đó, Cần Thơ còn có hệ thống sông rạch và các cồn dọc theo hệ thống sông, tạo điều kiện phát triển đa dạng sản phẩm du lịch sinh thái, miệt vườn.

Cách trung tâm thành phố khoảng 16km, vườn trái cây 9 Hồng (ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) được xem là một trong những vườn sinh thái làm du lịch lâu năm, với thế mạnh về các loại trái cây đặc sản của Phong Điền: vú sữa, dâu, măng cụt. Trong đó, cây chủ lực là vú sữa với hơn 120 gốc có tuổi đời hơn 40 năm. Ông Phạm Văn Hoàng, chủ vườn trái cây 9 Hồng, cho biết: “Vườn nhà tôi rộng khoảng 2ha, làm du lịch theo kiểu dân dã miệt vườn. Khách đến đây vì yêu thích không gian mát mẻ, vườn nguyên sơ. Do đó, tôi vẫn giữ vườn cây tự nhiên, chỉ bổ sung thêm một số dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí đậm chất miệt vườn, như chèo ghe, câu cá…”. Theo đó, để du khách có nhiều sự lựa chọn và có thể tham quan vườn trái cây quanh năm, vườn trái cây 9 Hồng cũng có liên kết với một số nhà vườn xung quanh trồng chôm chôm, dâu, sầu riêng.

Cách đó khoảng 3km, men theo con rạch Trà Niền, vườn du lịch sinh thái Tuấn Tường (ấp Nhơn Lộc 1A, thị trấn Phong Điền) hoạt động theo mô hình liên kết vườn Hợp tác xã (HTX) Hai Thìn với 10 thành viên. Trong đó, vườn du lịch sinh thái Tuấn Tường là điểm kết nối chính để du khách tham quan và trải nghiệm các hoạt động mang bản sắc bản địa. Ông Trần Văn Thìn, Giám đốc HTX Hai Thìn, cho biết: “Định hướng làm du lịch của chúng tôi là làm du lịch sinh thái theo hướng cộng đồng và liên kết. Hiện chúng tôi có liên kết nhiều xã viên có vườn trái cây đặc sản theo hướng sạch, mục đích là giới thiệu đến du khách sản phẩm đặc trưng của vùng sông nước miệt vườn Phong Điền”. Du khách Dương Thị Mỹ Ngọc đến từ Hải Phòng cho biết: “Các điểm vườn ở Phong Điền rất thoáng mát, trái cây rất tươi và ngon. Tự tay bẻ trên cành rồi thưởng thức tại chỗ thì còn gì bằng, rất ngon ngọt!”.

Tương tự, một mô hình liên kết phát triển du lịch khá nổi bật tại Cần Thơ là HTX Du lịch Nông nghiệp cồn Sơn (quận Bình Thủy). Bà Bùi Thúy Liễu, chủ vườn bưởi Phương My, thành viên HTX Du lịch Nông nghiệp cồn Sơn, nói: “Trong HTX, mỗi nhà sẽ có sản phẩm đặc trưng riêng để đóng góp làm thành các dịch vụ, sản phẩm chung. Nhà tôi có vườn bưởi thì tận dụng để du khách tham quan, thưởng thức bưởi. Ngoài ra còn có món ăn gà xé bưởi, mứt bưởi”. HTX Du lịch Nông nghiệp cồn Sơn có nhiều trải nghiệm đa dạng từ các thành viên đều là những người nông dân làm du lịch. Tại đây, các thành viên khai thác thế mạnh từ mảnh vườn, bờ ao quen thuộc để làm sản phẩm, như bè cá, cá lóc bay, làm bánh dân gian, vườn trái cây… Du khách Bùi Thị Tâm đến từ Hà Nội nói: “Tôi có những trải nghiệm thú vị ở cồn Sơn và rất thích. Về đây đúng chất dân dã miệt vườn, có sông nước, vườn cây, bánh trái rất ngon!”.

Trong khi đó, tại các điểm du lịch lớn như Làng du lịch Mỹ Khánh, Cantho Eco Resort hiện cũng dành phần lớn diện tích để phát triển không gian xanh và vườn cây ăn trái. Tại Làng du lịch Mỹ Khánh, vườn trái cây chiếm 1/3 diện tích với hơn 20 loại trái cây: chôm chôm, mận, dâu, vú sữa… Còn tại Cantho Eco Resort có vườn trái cây đa dạng: mít, chôm chôm, dâu Hạ Châu…

Có thể thấy, các mô hình làm du lịch xanh tại Cần Thơ khá đa dạng và phát huy hiệu quả giá trị sinh thái, miệt vườn. Trong định hướng phát triển của ngành Du lịch thành phố, cũng có xác định:  “Đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, gắn với phát triển du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP và các giá trị tài nguyên văn hóa bản địa, thế mạnh của từng địa phương. Đồng thời triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng mạng lưới điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Cụ thể, Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch... Để đạt được mục tiêu, Cần Thơ sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt gắn với bản sắc đặc trưng của thành phố, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn chất lượng cao. Đồng thời xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết