13/02/2025 - 08:24

Đảm bảo quyền lợi của đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý 

Những năm qua, công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng trên địa bàn TP Cần Thơ được các ngành, các cấp, các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả. Qua đó, góp phần bảo đảm các đối tượng thuộc diện TGPL trong hoạt động tố tụng được hưởng các quyền về TGPL theo quy định của pháp luật...

Sở Tư pháp TP Cần Thơ tặng giấy khen các cá nhân hoàn thành suất sắc nhiệm vụ phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2024.

Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng nhằm bảo đảm quyền của người được TGPL; đăng ký, từ chối, hủy bỏ việc đăng ký bào chữa; đăng ký, từ chối việc đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội là người thuộc diện được TGPL và kinh phí phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng. Chế định TGPL cũng đã được đồng bộ hóa trong các đạo luật như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

Theo Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ, công tác phối hợp liên ngành trên địa bàn thành phố thời gian qua được thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả. Trung tâm phân công trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng 283 vụ việc (bào chữa 171 vụ việc, bảo vệ 112 vụ việc) và đại diện ngoài tố tụng 1 vụ việc (bảo vệ) do cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị và người được TGPL yêu cầu. Ðội ngũ trợ giúp viên pháp lý tại Trung tâm chủ động phối hợp các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm đẩy mạnh hỗ trợ, giúp đỡ, tránh bỏ sót các đối tượng thuộc diện được TGPL. Chất lượng vụ việc TGPL ngày càng tăng; có nhiều vụ việc hiệu quả, người được TGPL được tuyên mức án giảm hơn so với mức đề nghị của viện kiểm sát hoặc được chuyển khung hình phạt nhẹ hơn hoặc sang tội nhẹ hơn.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song công tác phối hợp trong hoạt động TGPL vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các đối tượng được TGPL chưa am hiểu về công tác TGPL miễn phí nên không yêu cầu TGPL; các đối tượng thuộc diện TGPL thường có suy nghĩ không an tâm, thiếu tin tưởng vào việc được TGPL miễn phí; công tác truyền thông về TGPL tuy có thực hiện nhưng chất lượng chưa cao, chưa sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, một số cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm hết trách nhiệm thông báo, giải thích, hướng dẫn các đối tượng được TGPL thực hiện quyền yêu cầu TGPL theo quy định Luật TGPL.

Ông Lê Văn Hận, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ, cho biết: “Trung tâm sẽ tập trung nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp của trợ giúp viên pháp lý trong tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và tư vấn pháp luật; thẩm định chất lượng vụ việc TGPL; tổ chức nâng cao chất lượng TGPL ngoài trụ sở. Tăng cường công tác truyền thông về TGPL và hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người thực hiện TGPL, đối tượng được TGPL, các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý về TGPL và của xã hội về vai trò của công tác TGPL để từ đó có sự quan tâm đúng mức tới hoạt động này”.

Thời gian tới, VKSND TP Cần Thơ là 1 trong 5 đơn vị được VKSND tối cao chọn để triển khai thí điểm cơ chế VKSND khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc liên quan đến lợi ích công nhưng không có người khởi kiện. Ông Phạm Hoài Hận, Phó Viện trưởng VKSND quận Cái Răng, chia sẻ: “Nhằm tạo điều kiện để người thực hiện TGPL tham gia tố tụng, bảo đảm các đối tượng thuộc diện TGPL trong hoạt động tố tụng được hưởng các quyền về TGPL theo quy định của pháp luật, người tiến hành tố tụng của VKSND cần thực hiện nghiêm túc các quy định về giải thích, thông báo, thông tin về TGPL; đăng ký, từ chối, hủy bỏ việc đăng ký bào chữa; giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng trong vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng; đảm bảo cho người thực hiện TGPL khi tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL theo quy định của pháp luật về tố tụng và pháp luật về TGPL”.

“Ðể công tác phối hợp trong hoạt động TGPL được hiệu quả, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các ngành thành viên phối hợp TGPL trong hoạt động tham gia tố tụng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh, đổi mới hình thức tuyên truyền về TGPL nói chung và TGPL trong hoạt động tố tụng nói riêng; giới thiệu kịp thời các bị can, bị cáo, bị hại… là các đối tượng được TGPL trong các vụ án để được TGPL miễn phí. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp và trung tâm TGPL trong thực hiện công tác TGPL, trong đó chú trọng công tác trực TGPL theo kế hoạch để đảm bảo tất cả các đối tượng trong diện đều được rà soát, tránh bỏ sót đối tượng thuộc diện TGPL, đảm bảo quyền lợi của đối tượng thuộc diện TGPL…” - ông Lê Thanh Trang, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Chia sẻ bài viết