KIẾN HÒA
Cùng với Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội, Cộng đồng Chính trị-An ninh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được hình thành vào cuối năm 2015 sẽ giúp nâng cao vị thế và khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh đang định hình tại châu Á-Thái Bình Dương, qua đó thúc đẩy hợp tác quốc tế và tạo thuận lợi hơn cho tiến trình đi đến thỏa thuận Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), góp phần xây dựng nền hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Long tranh, hổ đấu
Có thể nói, 2014 là một năm đầy khó khăn của ASEAN, khi mà kinh tế khu vực và thế giới vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực, sự cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc ngày càng quyết liệt, làm cho khu vực vốn đã "nóng" càng thêm căng thẳng, đặc biệt là mối quan hệ giữa một Trung Quốc đang trỗi dậy với một nửa số thành viên ASEAN.
Ai cũng biết, Trung Quốc - ASEAN từng thông qua tuyên bố chung về mối Quan hệ chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng vào 10-2003. Đó là kết quả của thành tựu ngoại giao một năm trước đó tại Campuchia, khi Bắc Kinh thỏa thuận cùng ASEAN thực hiện Tuyên bố về các nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC). Tuy nhiên, trong quá trình thay đổi khẩu hiệu "trỗi dậy hòa bình" thành "phát triển hòa bình", Trung Quốc thực thi chính sách "lục hoãn hải khẩu" (trên đất liền hòa hoãn, dưới biển xung đột) với ngoại giao pháo hạm thường xuyên gây sóng to gió lớn ở Biển Đông.

Các nhà lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN tại hội nghị cấp cao ở Myanmar hồi tháng 11-2014. Ảnh: TTXVN
Từ năm 2007, Trung Quốc đã đe dọa một số công ty dầu khí nước ngoài, buộc các công ty này phải dừng các hoạt động thăm dò xa bờ với các đối tác Việt Nam hoặc phải đối mặt với hậu quả khôn lường trong hoạt động kinh doanh của những công ty này với Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc lại ủng hộ việc khai thác năng lượng bên trong "Đường lưỡi bò" chiếm 80% diện tích Biển Đông. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan nước sâu Hải dương-981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi đầu tháng 5-2014 là bước khởi đầu thực hiện yêu sách ngang ngược xâm phạm chủ quyền Biển Đông, đồng thời tác động tiêu cực đến môi trường an ninh của ASEAN. Giới phân tích nhận định Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục đưa giàn khoan mới vào Biển Đông trong thời gian tới.
Trong khi đó, với chiến lược "xoay trục" sang châu Á - Thái Bình Dương, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama chú trọng đến vấn đề an ninh trên Biển Đông và gắn kết quan hệ với ASEAN. Trong bài diễn văn phát biểu tại Đại học Queensland (Úc) bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) hồi giữa tháng 11-2014, Tổng thống Barack Obama khẳng định chính sách "tái cân bằng chiến lược" của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương; nhấn mạnh Mỹ là một phần quan trọng đối với thế cân bằng sức mạnh tại châu Á và Washington mong muốn gia tăng vai trò của mình trong khu vực. "Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia sâu sắc hơn vào khu vực này bằng mọi sức mạnh của Mỹ"- ông Obama nói.
Một trong những mục tiêu trong chiến lược "xoay trục" của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Do đó, chính quyền Obama đặt trọng tâm vào việc "đỡ đầu" an ninh cho các đồng minh truyền thống như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Manila đã ký thỏa thuận cho phép Mỹ tái bố trí quân sự tại Philippines, được cho là nhằm bảo vệ phần chủ quyền của nước này trên Biển Đông. Được sự hậu thuẫn của Washington, Manila đã kiện cái gọi là "đường lưỡi bò" muốn "nuốt chửng" Biển Đông của Bắc Kinh ra tòa án quốc tế.
Sau khi chính quyền Obama thông báo chiến lược "xoay trục" vào châu Á-Thái Bình Dương, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ban hành chính sách "Hướng Đông" mở rộng hợp tác kinh tế với Đông Nam Á nói riêng và các nước châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Vì thế, tại hội nghị cấp cao ASEAN hồi tháng 11-2014 ở Myanmar, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã trở thành nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Nga sang dự. Nước Nga là đối tác an ninh quan trọng của nhiều nước ASEAN. Tuy nhiên, sách lược của Nga ưu tiên phát triển quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Putin bị phương Tây cô lập, cấm vận.
Chính quyền Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe cũng thể hiện chủ trương thắt chặt quan hệ gần gũi với ASEAN, kể cả trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng qua việc hai bên lần đầu tiên tổ chức hội nghị bộ trưởng quốc phòng tại Myanmar hồi tháng 11-2014. Cũng tại Myanmar, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố ASEAN là "hạt nhân" trong chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ và là trung tâm "giấc mơ" về một thế kỷ châu Á hợp tác và liên kết. Liên minh châu Âu (EU) cam kết cùng ASEAN theo đuổi mối quan hệ đối tác chiến lược duy trì hòa bình, bảo đảm ổn định và an ninh ở Đông Nam Á.
Rõ ràng, chiến lược của các nước lớn đang làm châu Á-Thái Bình Dương, khu vực năng động bậc nhất và được coi là động lực tăng trưởng của thế giới, càng thêm sôi động, nhưng đồng thời ẩn chứa mâu thuẫn. Ngay trên lĩnh vực đầu tư-thương mại, ASEAN cũng là hấp lực lớn cho các cường quốc công nghiệp phát triển, là "sàn đấu" giữa Trung Quốc và các nước lớn khác. Hiệp định Hợp tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) lấy "các nước ASEAN làm trung tâm" do Trung Quốc khởi xướng cũng nhằm làm "đối trọng" với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ có vai trò chủ đạo.
Hợp sức hóa giải thách thức
Cuộc "long tranh, hổ đấu" của các cường quốc khó tránh khỏi tác động đến chính sách của từng nước thành viên ASEAN và ảnh hưởng chung đến tương lai nội khối. Đó là lý do mà các quan chức cấp cao ASEAN đã tổ chức hội nghị đặc biệt thảo luận về vai trò trung tâm của ASEAN và định hướng chiến lược trong tương lai được tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 6-2014. Cuộc họp này là sáng kiến do Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hồi tháng 5 tại Myanmar, được các nước ASEAN hoan nghênh và ủng hộ. Hội nghị nhất trí rằng bối cảnh địa chiến lược ở khu vực đang thay đổi nhanh chóng, với nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng sâu sắc tới môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực; các nước lớn can dự ngày càng sâu rộng hơn vào hợp tác ở khu vực với sự thay đổi và điều chỉnh trong chiến lược và trong tương tác giữa các nước lớn với nhau và với ASEAN, đặt ra không chỉ cơ hội mà còn nhiều thách thức cho việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN.
Theo đó, ASEAN càng cần củng cố và giữ vững vai trò trung tâm của mình ở khu vực, đặc biệt trên các khía cạnh: Duy trì đoàn kết để thúc đẩy lợi ích chung của ASEAN; có phương cách ứng xử với các nước lớn; chủ động có tiếng nói về lập trường và giải pháp cho các vấn đề nảy sinh ở khu vực. Để thực hiện được vai trò của mình, ASEAN cần tích cực chủ động trong việc xây dựng cấu trúc khu vực trong tương lai; thúc đẩy xây dựng một cấu trúc khu vực đa tầng nấc, dựa trên các tiến trình hợp tác khu vực hiện có, đan xen và hỗ trợ lẫn nhau, trong đó ASEAN tiếp tục giữ vai trò chủ đạo; tăng cường xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, giá trị và những nguyên tắc cơ bản của ASEAN như Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố Bali về Những nguyên tắc hợp tác cùng có lợi, Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANFWZ), Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)... kết hợp những đề xuất mới nhằm tạo dựng một bộ quy tắc ứng xử chung cho toàn khu vực; đồng thời nỗ lực duy trì và thúc đẩy vai trò chủ đạo của ASEAN tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn An ninh ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM+) cũng như phát huy hiệu quả của các cơ chế này. Đây là những khuôn khổ khá hữu hiệu, nếu không nói là tốt nhất và thường xuyên nhất, để các cường quốc bày tỏ quan điểm, lập trường có lợi cho hòa bình, an ninh trên các vùng biển châu Á.