 |
Thái độ “bất hòa” giữa Netanyahu (trái) và Obama trong cuộc gặp ở Nhà Trắng hôm 20-5 bị cho là “giả tạo”. Ảnh: AP |
Đó là nhận định của Ian Black, biên tập viên chuyên trang Trung Đông của báo The Guardian (Anh), trong bài viết có tựa đề “Cơn giận dữ của Netanyahu (Thủ tướng Israel) nhắm vào bài phát biểu về Trung Đông của Obama là giả tạo” đăng tải ngày 20-5.
Ian Black cho rằng, việc Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cập tới đường biên giới năm 1967 của Israel trong bài phát biểu gây tranh cãi của ông hôm 19-5 vừa qua có thể sẽ làm trỗi dậy “cơn bão chính trị” dập vào tiến trình hòa bình Trung Đông, vốn trước khi có bài phát biểu ấy đã dịch chuyển theo chiều hướng có lợi cho Palestine làm Israel lo lắng và bối rối, chớ không phải là dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi quan trọng nào trong chính sách của Mỹ đối với khu vực này.
Trong bài phát biểu dài 5.400 từ, ông chủ Nhà Trắng nói: “Biên giới của Israel và Palestine nên dựa trên đường ranh giới năm 1967 với những trao đổi đã được thống nhất lẫn nhau để những đường biên giới đã được công nhận và đảm bảo được thiết lập cho cả hai”.
Ian Black dẫn nhận định của nhiều nhà phân tích cho rằng quan điểm của ông Obama về đường biên giới giữa Israel và Palestine không có gì mới mẻ. Thực chất quan điểm ấy đã từng được cựu Tổng thống Bill Clinton đề cập đến và trở thành vấn đề cơ bản cho các cuộc đàm phán giữa Bill Clinton, Ehud Barack (cựu Thủ tướng Israel) và Yasser Arafat (cố Tổng thống Palestine) tại Trại David năm 2000. Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush sau đó cũng không ít lần nhắc tới.
Năm ngoái, Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng từng nhấn mạnh, giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột này là đáp ứng những đòi hỏi của Palestine về việc xây dựng một nhà nước độc lập dựa trên đường ranh giới năm 1967, đổi lại là một cuộc trao đổi đất đai và chấp nhận yêu cầu của Israel về những đường biên giới được đảm bảo an ninh.
Ian Black chỉ ra rằng cụm từ “những trao đổi đã được thống nhất lẫn nhau” (mutually agreed swaps) mà Tổng thống Obama nêu rõ trong bài phát biểu của ông hôm 19-5 là có lợi cho Israel, bởi nó cho phép Israel về nguyên tắc duy trì các khu định cư Do Thái mà họ đã xây dựng trái phép trên vùng đất của người Palestine ở khu Bờ Tây và quanh Đông Jerusalem. Một số tài liệu của chính quyền Palestine từ năm 2008 cho thấy các nhà thương lượng PLO (Tổ chức Giải phóng Palestine) khi ấy đã tính tới phương án chấp nhận “hiện thực trên mặt đất” trong các cuộc đàm phán với Israel.
Và thực tế là ông chủ Tòa Bạch Ốc không hề buộc Israel chấm dứt các hoạt động mở rộng khu định cư vấn đề được coi là mấu chốt quan trọng cho tiến trình nối lại các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông. Cho nên, ngay sau bài phát biểu của ông Obama, Bộ Nội vụ Israel đã thông qua kế hoạch xây dựng hơn 1.500 ngôi nhà định cư ở Đông Jerusalem, trong đó có 620 căn nhà tại khu định cư Pisgat Zeev và 900 căn nhà khác ở khu định cư Har Homa.
Hơn nữa, Tổng thống Obama còn gạt bỏ những nỗ lực của Palestine tại Liên Hiệp Quốc khi nhấn mạnh rằng: “Hành động cô lập Israel tại Liên Hiệp Quốc chỉ mang tính chất tượng trưng và không thể giúp tạo ra một quốc gia độc lập”.
Vì thế, theo Ian Black, sự giận dữ của Netanyahu nhằm vào bài phát biểu của Obama dường như còn có tính “chiến thuật”.
NHẬT QUANG
(Theo Guardian, WSJ và AP)