25/08/2024 - 11:31

Cội nguồn và sức mạnh của gia tộc Shinawatra 

Sự kiện bà Paetongtarn Shinawatra, con gái út 37 tuổi của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, trở thành thủ tướng mới của Thái Lan một lần nữa nói lên sức mạnh của gia tộc siêu giàu và đẩy quyền thế ở đất nước chùa vàng.

Vợ chồng tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra (hàng đầu bên phải) cùng cha mẹ. Hàng sau là vợ chồng anh trai và vợ chồng chị gái tại lễ tiếp nhận sắc phong hoàng gia hôm 18-8. Ảnh: AP

Cội nguồn và nền móng chính trị của nhà Shinawatra

Dòng họ Shinawatra xuất thân là di dân gốc Hoa. Cuối những năm 1860, ông Seng Sae Khu (Khâu Xuân Thịnh) từ Quảng Ðông (Trung Quốc) đến Thái Lan lập nghiệp khi còn là cậu bé. Ban đầu, Seng cư ngụ ở tỉnh Chanthaburi, giáp biên giới Campuchia, lấy vợ người Thái và có 9 người con. Tại đây, ông Seng Sae Khu chỉ là lao động làm thuê, sau đó hành nghề thu thuế cho quan chức địa phương. Có lúc ông đưa gia đình vào Bangkok nhưng chỉ lưu lại được một thời gian ngắn, rồi trở ra định cư ở Chiang Mai năm 1908 với nghề kinh doanh gia súc và bắt đầu học theo nhiều đồng hương khác làm nghề dệt lụa. Ông nhanh chóng thành công, gầy dựng được xưởng sản xuất, nhuộm sợi và may gia công.

Con trai cả của cụ Seng là Chiang Sae Khu kết hôn với một phụ nữ Thái tên Saeng Somna. Chiang giúp cha kinh doanh gia súc và chuyển sang buôn bán lụa, lập công ty Shinawatra Thai Silk.

Ðến năm 1938, chính quyền Thái Lan thi hành chính sách dân tộc chủ nghĩa, bài trừ người Hoa nên con trai lớn của ông Chiang là Sak đã đổi sang họ Thái là Shinawatra. Sau khi đổi sang họ mới, tơ lụa Shinawatra càng nổi tiếng hơn, cung cấp khắp cả nước và rất được người trong hoàng gia ưa thích. Dòng họ này bắt đầu lấn sang những lĩnh vực khác như tài chính, xây dựng và bất động sản. Tài sản ngày càng gia tăng, con cái được gửi ra nước ngoài du học rồi trở về giúp cơ ngơi dòng họ phát triển thêm.

Nhà Shinawatra bắt đầu phát triển vượt bậc từ đời thứ ba, tức thời của ông Lert Shinawatra, con trai thứ tư của ông Chiang. Ông Lert kết hôn với Yindi Ramingwong (con gái công chúa Jantip Na Chiang Mai) và hai người sinh được 7 con gái và 3 con trai, gồm Yaowalak, Thaksin, Yaowares, Piyanut, Udon, Yaowapha, Payap, Yaomal, Thatsanee và Yingluck. Ông Lert sớm dấn thân vào nghiệp kinh doanh và sở hữu 2 rạp chiếu phim, một hệ thống xe buýt, đại lý xe máy lẫn xe hơi, một trạm xăng và nhiều mảnh đất ở Chiang Mai.

Năm 1968, ông Lert bước vào chính trường với tư cách là thành viên Hội đồng thành phố Chiang Mai và trở thành đại biểu quốc hội vào năm 1969. Ông còn trở thành người đứng đầu đảng Independent, gồm nhiều thành viên là đại gia kinh tế và chủ ngân hàng. Ông chính là người đã đặt nền móng cho thế lực chính trị của gia tộc Shinawatra. Sau cuộc đảo chính quân sự năm 1971, ông rời bỏ chính trường cho đến năm 1975 thì tái đắc cử nghị sĩ.

Tiếp nối ông Lert là người em trai Suraphan, được bầu vào quốc hội và từng làm Thứ trưởng Giao thông giai đoạn 1986-1988. Ngoài ra, ông Lert còn một người em nữa cũng hoạt động chính trị là Sujate, từng làm thị trưởng thành phố Chiang Mai.

Người con đầu tiên của ông Lert tiếp tục theo đuổi sự nghiệp chính trị là con gái lớn Yaowalak, thị trưởng Chiang Mai và là nữ thị trưởng đầu tiên của Thái Lan.

Đỉnh cao quyền lực và sóng gió chính trị

Nối bước cha, ông Thaksin rời ngành cảnh sát để thành lập Tập đoàn Shinawatra Datacom năm 1989 và nhanh chóng biến nó trở thành một đế chế viễn thông ở Thái Lan.

Năm 1994, ông Thaksin được mời làm ngoại trưởng. Từ đó, ông dấn thân sâu hơn vào chính trường với việc tham gia đảng Palang Dharma Party (PDP) cầm quyền. Năm 1997, ông Thaksin được mời làm phó thủ tướng trong thời điểm Thái Lan thả nổi đồng baht và phá giá đồng tiền. Thủ tướng Chavalit Yongchaiyudh hy vọng nhà tỉ phú có thể giúp vực dậy kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, ông Chavalit phải từ chức và ông Thaksin thôi việc sau 3 tháng. Sau đó, ông Thaksin rời PDP và cùng một số thành viên khác lập đảng mới Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái) vào năm 1998 nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử 3 năm sau đó.

Ông giành chiến thắng và trở thành thủ tướng đầu tiên được bầu theo hiến pháp mới, được xem là dân chủ nhất so với trước. Bước vào nhiệm kỳ đầu, ông Thaksin thực hiện chính sách kinh tế "Thaksinomics" nhắm vào cải thiện đời sống dân nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, khuyến khích doanh nghiệp và phát triển các tập đoàn kinh tế. Ông Thaksin kết thúc nhiệm kỳ đầu với nhiều thành công về mặt kinh tế và xã hội, mở đường cho ông tiếp tục tại vị trong nhiệm kỳ tiếp theo. Tuy nhiên, phe đối lập không muốn điều đó, họ tổ chức chiến dịch tấn công khi phát hiện ông trốn thuế trong vụ chuyển nhượng cổ phiếu cho công ty nước ngoài. Họ cáo buộc ông lạm quyền, tham nhũng và tổ chức biểu tình đòi ông từ chức. Quân đội phải vào cuộc, lật đổ chính phủ vào tháng 9-2006, khi ông Thaksin đang tham dự một sự kiện ở New York, Mỹ.

 Dù phải sống lưu vong 15 năm ở nước ngoài trước khi về nước năm 2023, tài sản của ông Thaksin vẫn không ngừng tăng lên, đạt 2,1 tỉ USD năm 2024, theo tạp chí Forbes. Ông là một trong số 50 người giàu nhất ở Thái Lan. Về phần mình, bà Paetongtarn là nữ lãnh đạo doanh nghiệp, quản lý tập đoàn kinh doanh đa lĩnh vực Rende Development, cổ đông lớn nhất của tập đoàn bất động sản SC Asset Corp. Pcl và sở hữu cổ phần tại một số công ty lớn khác. Tính đến năm 2022, bà nắm giữ tổng cộng 21 công ty có giá trị gần 2 tỉ USD.

Trong khi đó, em rể của ông Thaksin là Somchai Wongsawat bắt đầu con đường chính trị khi chuẩn bị nghỉ hưu vào năm 2007. Ông tham gia đảng Sức mạnh Nhân dân (PPP, đảng kế thừa đảng Người Thái yêu người Thái), đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2007 và được giao chức phó thủ tướng dưới quyền Thủ tướng Samak Sundaravej. Ông Samak bị Tòa hiến pháp phế truất vì xung đột lợi ích, mở đường cho ông Somchai lên thay. Tuy nhiên, phe đối lập phản đối ông Somchai dữ dội, cáo buộc ông là "người của Thaksin". Cho nên, ông chỉ làm thủ tướng trong thời gian ngắn, từ ngày 18-9-2008 đến 2-12-2008. Một số ý kiến cho rằng ông Somchai thực chất chỉ mang vai trò "biểu tượng", còn người đứng đằng sau thật sự chính là vợ ông, bà Yaowapha. Em gái ông Thaksin khi đó là nghị sĩ quốc hội, đại diện cho đảng Thai Rak Thai của anh trai.

Sự nghiệp chính trị của nhà Shinawatra được tiếp nối khi em gái út của ông Thaksin là bà Yingluck giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2011 với tư cách người đứng đầu đảng mới Pheu Thai (Vì nước Thái). Cũng như ông Thaksin, bà Yingluck xuất thân là một doanh nhân. Dù không ưa thích và am tường chính trị nhưng vì anh trai, bà đã ngồi vào ghế thủ tướng ở tuổi 44. Thế nhưng sóng gió liên tục nổi lên và ập đến với nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Tháng 5-2014, quân đội đảo chính lật đổ chính phủ của bà Yingluck với cáo buộc lơ là, thiếu trách nhiệm khi thực hiện chính sách dự trữ và trợ giá gạo, làm thất thoát ngân sách nhà nước. Giống như anh trai, bà phải sống lưu vong ở nước ngoài.

Ngoài 3 thủ tướng nói trên, nhà Shinawatra còn có nhiều thành viên từng giữ các vị trí cao trong chính phủ như Chaiyasit Shinawatra, anh họ ông Thaksin, cựu Tư lệnh Bộ binh và Tổng tham mưu trưởng quân đội Hoàng gia Thái Lan; Preopan Damapong, em vợ ông Thaksin, giữ chức Phó Giám đốc Cảnh sát Hoàng gia.

Thế hệ mới tiếp bước

Không có ông Thaksin ở Thái Lan, gương mặt sáng giá nhất của gia tộc Shinawatra lúc đó là người em gái Yaowapha, vợ của cựu Thủ tướng Somchai Wongsawat. Bà này được đánh giá là một chính trị gia thực thụ, am hiểu các ngõ ngách chính trường Thái không kém anh trai. Nếu không dính lệnh cấm năm 2008, chính bà mới là thủ tướng thứ 28 của Thái Lan. Sau khi lệnh cấm 5 năm hết hạn, bà tiếp tục ra tranh cử ghế nghị sĩ Chiang Mai năm 2013 và lại chiến thắng vang dội. Không giữ vị trí quan trọng nào trong nội các của ông Thaksin lẫn bà Yingluck trước đây, nhưng bà Yaowapha được cho là có tiếng nói rất lớn trong đảng Pheu Thai. Thậm chí từng xuất hiện tin đồn bà là người "điều hành phía sau", nắm quyền sắp xếp nhân sự trong chính phủ của người em gái Yingluck.

Tuy nhiên, bà Yaowapha và nhiều thành viên khác của gia tộc Shinawatra tiếp tục là chỗ dựa dìu dắt thế hệ mới khi không có ông Thaksin và bà Yingluck. Và cựu Thủ tướng Thaksin đã trở về Thái Lan năm 2023 sau 15 năm lưu vong ở nước ngoài, trong bối cảnh đảng Pheu Thai trở lại nắm quyền sau nhiều năm "nhiếp chính" của quân đội.

Người dẫn dắt đảng Pheu Thai trong cuộc bầu cử năm 2023 chính là bà Paetongtarn Shinawatra, con gái út của ông Thaksin. Dù chỉ về nhì và phải liên minh với nhiều đảng, bao gồm các đảng ủng hộ quân đội, nhưng đảng của bà đã đứng ra thành lập chính phủ và đưa thân tín Srettha Thavisin lên làm thủ tướng. Cuối cùng, ông Thavisin bị bãi nhiệm hôm 14-8 và bà Paetongtarn được quốc hội bầu làm thủ tướng hôm 16-8, trước khi được Quốc vương phê chuẩn và nhậm chức ngày 18-8. Bà Paetongtarn, 37 tuổi, trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử xứ chùa vàng.

Ngày bà Paetongtarn lên làm thủ tướng cũng là ngày ông Thaksin được Quốc vương ân xá. Ông Thaksin tuyên bố sẵn sàng cố vấn cho tân Thủ tướng Paetongtarn nhằm giúp con gái chưa có kinh nghiệm chính trường vượt qua những thách thức trước mắt.

ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết