 |
Tổng thống Iran Ahmadinejad (phải) và Thủ tướng Nga Putin sẽ dự phiên họp toàn thể CICA ở Istanbul ngày 8-6. Ảnh: Voltairenet |
Hôm qua 7-6, cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 3 Hội nghị về Phối hợp hành động và Các biện pháp Củng cố lòng tin ở châu Á (gọi tắt là CICA) đã khai mạc tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được coi là “Diễn đàn quốc tế mở”, được thành lập từ năm 1992 theo sáng kiến của Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev. Diễn đàn này quy tụ sự tham gia của 20 nước thành viên như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ... và 10 nước quan sát viên trong đó có Mỹ, Nhật, Ukraina, đại diện Liên Hiệp Quốc, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE)... Hội nghị có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề ở khu vực và thúc đẩy sự hợp tác phát triển giữa các nước thành viên.
Cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của CICA được tổ chức tháng 6-2002 tại thành phố Almaty của Kazakhstan nhằm giúp giảm bớt mối quan hệ căng thẳng có nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa hai cường quốc hạt nhân Nam Á là Ấn Độ và Pakistan. Cuộc họp thượng đỉnh CICA lần thứ hai cũng được tổ chức tại Almaty chủ yếu bàn thảo về tình hình bất ổn an ninh ở Iraq, Afghanistan, Palestine. Và tại cuộc họp thượng đỉnh 2 ngày lần thứ ba do Thổ Nhĩ Kỳ đăng cai tổ chức tại thành phố Istanbul, người ta không khó nhận ra mục đích chính của Ankara là kêu gọi các nước thành viên từ hầu hết các khu vực châu Á như Trung Á, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, Trung Đông và cả Nga lên án “hội viên” Israel vì tội sát hại các nhà hoạt động nhân đạo quốc tế hôm 31-5.
Bên cạnh vấn đề Israel, cuộc họp CICA lần này hy vọng sẽ thúc đẩy đối thoại hòa bình và hợp tác đảm bảo an ninh giữa Ấn Độ và Pakistan, giữa Pakistan và Afghanistan. Chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, sự bất ổn của vùng Kavkaz (Nga), tình hình trên Bán đảo Triều Tiên sau vụ tàu hải quân Hàn Quốc bị chìm trên Hoàng Hải hồi tháng 3... cũng nằm trong chương trình nghị sự của CICA.
Theo các nhà phân tích, bằng việc triệu tập cuộc họp thượng đỉnh CICA với sự có mặt của 9 vị nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên tham gia, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình trước các vấn đề của khu vực. Chính quyền của Thủ tướng Tayyip Erdogan chủ trương tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, kể cả những quốc gia bị Mỹ và phương Tây coi như thù địch, đồng thời tham gia nhiều hoạt động trung gian hòa giải.
CICA lần này có sự hiện diện của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, Tổng thống Syrie Bashar al-Assad và Thủ tướng nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, Israel chỉ cử một quan chức ngoại giao cấp thấp đến dự vì lo ngại bị các nước tham dự CICA chỉ trích về chính sách của họ đối với người Palestine và đặc biệt là vụ tấn công đẫm máu nhằm vào đoàn tàu cứu trợ quốc tế tới Gaza hồi cuối tháng 5 vừa qua.
KIẾN HÒA
(Theo Reuters, Indiaexpress, AP, Wikipedia)
20 quốc gia thành viên CICA gồm: Afghanistan, Azerbaijan, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Israel, Jordanie, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Mông Cổ, Pakistan, Palestine, Hàn Quốc, Nga, Tajikistan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất và Uzbekistan.
Tại cuộc họp lần này, Việt Nam sẽ ký tham gia Định ước Alma Ata và Tuyên bố về các nguyên tắc điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia thành viên để trở thành thành viên chính thức CICA. |