06/08/2011 - 13:45

Chứng khoán thế giới chao đảo

Nỗi lo hiện rõ trên gương mặt chuyên gia theo dõi chứng khoán trên thị trường New York.
Ảnh: AP

Lo sợ kinh tế toàn cầu lại rơi vào suy thoái khi các vấn đề kinh tế và tài chính khắp thế giới vẫn trong vòng lẩn quẩn và có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát của các nước, khiến các thị trường chứng khoán lao dốc hôm 4-8.

Ở hai bên bờ Đại Tây Dương, những tín hiệu kinh tế diễn biến ngày một xấu hơn. Bất chấp Mỹ đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công vào phút chót vài ngày trước, các nhà đầu tư vẫn cho rằng Washington sẽ không thể giải quyết nhiều vấn đề dài hạn của đất nước hoặc bất kỳ đợt suy giảm kinh tế nào sắp xảy ra. Một số doanh nghiệp Mỹ cho biết trong vài tuần qua họ đã hoãn các kế hoạch tuyển dụng cũng như đầu tư mới vì không chắc chắn về việc liệu Mỹ có vỡ nợ hay không.

Sự phục hồi kinh tế Mỹ đang chững lại trong khi khủng hoảng nợ ở châu Âu đe dọa lan tới Tây Ban Nha và Ý, hai trong số những nền kinh tế lớn nhất cựu lục địa. Các nhà đầu tư đang lo rằng trong bối cảnh chưa hồi phục sau suy thoái, các nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể không còn đủ tiền cần thiết để kiểm soát khủng hoảng nợ đang nhen nhóm.

Hơn 81 tỉ USD giá trị cổ phiếu của 100 công ty vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Luân Đôn bị “quét” khỏi thị trường trong ngày 4-8. Chỉ số FTSE 100 của Luân Đôn rớt 191,27 điểm (3,43%) xuống còn 5.393,14 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 9-2010. Dự báo thị trường tương lai, FTSE 100 có thể sẽ giảm thêm hơn 100 điểm.

Trong khi đó, trung tâm tài chính Phố Wall cũng hứng chịu một trong những ngày tồi tệ nhất kể từ đỉnh điểm cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2008, với chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa giảm hơn 500 điểm (4,3%) xuống dưới 11.383 điểm, sau 2 tuần sụt giảm gần như liên tục. Đây là mức giảm chỉ số Dow Jones trong ngày lớn nhất kể từ ngày “đen tối” 1-12-2008 với mức giảm 679,95 điểm.

Nhiều thị trường chứng khoán khác cũng đồng loạt sụt giảm. Chỉ số DAX của Đức giảm 3,5% và CAC của Pháp giảm 4%, trong khi đồng euro rớt giá mạnh so với các đồng tiền khác (1 euro = 1,4170 USD). Còn tại châu Á trong phiên giao dịch trưa 5-8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 3,46% còn 9.334,26 điểm; S & P/ASX 200 của Úc giảm 3,75% còn 4.116,30 điểm; và Hang Seng của Hồng Công giảm 4,3% còn 20.943,93 điểm khi mở cửa.

Nhiều tin đồn đang loan truyền khắp kinh đô tài chính của Mỹ rằng các quỹ đầu cơ đang buộc phải bán nhiều tài sản như vàng để bù đắp thua lỗ trong các khoản đầu tư khác. Điều này dẫn tới giá vàng bất ngờ giảm 1% sau khi tăng tới mức kỷ lục hơn 1.670 USD/ounce vài tuần gần đây vì được xem là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh khủng hoảng nợ ở Mỹ và châu Âu. Dầu thô Brent biển Bắc cũng giảm 5% xuống còn 107 USD/thùng khi có nhiều dấu hiệu suy giảm ở các nền kinh tế phương Tây.

Tại châu Âu, thách thức mà các nhà hoạch định chính sách đang đối mặt thậm chí nghiêm trọng hơn. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 4-8 đã nối lại chương trình mua trái phiếu mà các nhà đầu tư đang bán tháo của Ireland và Bồ Đào Nha, giúp hai nước này chống đỡ cơn khủng hoảng nợ, nhưng không mua trái phiếu của Ý và Tây Ban Nha. Nếu các nhà đầu tư bắt đầu rút khỏi Ý và Tây Ban Nha, hai nước này không thể vay thêm tiền, thì “gánh nặng” trở nên quá sức đối khả năng giải cứu của châu Âu.

Các nhà phân tích cho rằng thị trường sẽ còn bi đát hơn, khi các nhà đầu tư đánh giá lại viễn cảnh kinh tế Mỹ và châu Âu. Tình hình hiện tại gợi nhớ lại cuộc khủng hoảng ngân hàng vào tháng 10-2008.

THÁI BÌNH
(Theo Guardian, NYT, Washingtonpost)

Nỗi lo hiện rõ trên gương mặt chuyên gia theo dõi chứng khoán trên thị trường New York. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết