Trong chuyến thăm Tokyo và tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhật-Trung-Hàn vừa kết thúc, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il đang có chuyến thăm Trung Quốc nhằm tìm hiểu tiến trình cải cách của nền kinh tế lớn nhất châu Á để ứng dụng vào kế hoạch cải cách, phát triển kinh tế ở CHDCND Triều Tiên.
|
Đây là lần thứ ba ông Kim Jong-il tới Trung Quốc trong vòng một năm. Ảnh: AFP. |
Chủ tịch Kim và đoàn tháp tùng đã đến Trung Quốc bằng một chuyến tàu hỏa đặc biệt hôm 20-5 và tạm dừng chân ở tỉnh Cát Lâm (Đông Bắc Trung Quốc). Tại đây, ông đã đến thăm một nhà máy sản xuất ô-tô. Ngày 22-5, ông Kim bắt đầu đến thành phố Dương Châu thuộc tỉnh Giang Tô, nơi mà phụ thân của ông - cố Chủ tịch Kim Nhật Thành từng có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân năm 1991. Tỉnh phía Bắc của Trung Quốc này là nơi phát triển thịnh vượng nhờ sự bùng nổ của ngành công nghiệp dựa vào xuất khẩu sau 3 thập niên cải cách kinh tế. Tại đây, ông đã đến thăm 3 khu công nghiệp phức hợp công nghệ cao và một nhà máy năng lượng mặt trời. Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, ông Kim cũng đã đến thăm và ăn tối với nguyên Chủ tịch Giang Trạch Dân tại thành phố này. Còn hôm qua (24-5), ông Kim đã tới thành phố Thượng Hải, một trong những trung tâm kinh tế-thương mại-tài chính sầm uất nhất Trung Quốc, và là nơi ông từng đến nghiên cứu cải cách kinh tế năm 2001. Theo Yonhap, nhiều khả năng ông Kim sẽ tiếp tục hành trình tới Bắc Kinh.
Chuyến đi Trung Quốc của Chủ tịch Kim Jong-il diễn ra trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế 10 năm với mục tiêu nâng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này nhảy vọt từ ước chừng 40 tỉ USD hiện nay lên 360-400 tỉ USD vào thập niên tới. Theo Thời báo châu Á, kế hoạch xây dựng đất nước cường thịnh bắt đầu từ năm 2012 này bao gồm nhiều dự án phát triển khu công nghiệp đóng tàu, khu công nghiệp nhẹ, xây dựng một thành phố cảng, hai khu thương mại tự do, hai trung tâm chế biến lương thực và dược phẩm, phát triển các ngành công nghiệp điện, dầu khí, than, sắt thép, xây dựng kết cấu hạ tầng... nằm dọc các vùng biên giới giáp Trung Quốc. Để đảm bảo kế hoạch thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, Bình Nhưỡng sẽ xúc tiến thành lập Ngân hàng Phát triển Quốc gia và một công ty bảo hiểm vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, Thời báo châu Á cho rằng Bắc Triều Tiên thật sự đã muốn cải cách kinh tế từ năm 1984 và nỗ lực thúc đẩy tiến trình này từ năm 2001, nhưng đến nay ít có dự án trở thành hiện thực vì chưa có môi trường đầu tư thích hợp hay do bị tác động chính trị từ bên ngoài.
PHÚC NGUYÊN (Theo Reuters, ATimes và Yonhap)