 |
Mô hình trụ sở mới của NATO ở Brussels.
Ảnh: Getty |
Hãng tin Mỹ AP ngày 8-2 cho biết Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang xây dựng tổng hành dinh mới thay thế khu phức hợp “tạm bợ” cũ, vốn là một cứ địa không quân từng bị máy bay phát-xít đánh bom trong Đệ nhị Thế chiến được sử dụng từ năm 1966 và hiện không còn đáp ứng quy định kiến trúc an toàn của chính quyền thành phố Brussels (Bỉ). Người phát ngôn của NATO, ông Oana Lungescu thanh minh rằng trong suốt hơn 60 năm tồn tại của mình, NATO chưa bao giờ có một trụ sở chuyên dụng riêng cho các đại diện quân sự thường trực cao cấp, dù số nước thành viên của khối quân sự này đã được mở rộng từ 15 lên 28 hiện nay.
Tuy nhiên, công trình được khởi công từ giữa tháng 12 năm ngoái và dự kiến hoàn thành vào năm 2015 này lại quá tốn kém, dự chi tới 1,3 tỉ USD, ở thời điểm mà hầu hết các quốc gia thành viên chủ chốt của NATO đều “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm ngân sách dành cho công ích, kể cả ngân sách quốc phòng, nên có thể coi đây là một động thái chưa đúng lúc và chưa cần thiết. Trong hơn 2 năm qua, các nước châu Âu thuộc khối NATO đã phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng 45 tỉ USD, đồng thời phải móc hầu bao hỗ trợ Mỹ ở chiến trường khốc liệt Afghanistan vì một sứ mạng quá tham vọng.
Thế nhưng, ông Lungesco chống chế rằng dự án trên đã được thông qua cách đây nhiều năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và rằng phần chi phí xây dựng chỉ vào khoảng 600 triệu USD (thấp hơn gần 30% so với cái giá dự kiến ban đầu trước yêu cầu thắt chặt chi tiêu) và số còn lại phục vụ cho việc san bằng một căn cứ không quân cũ ở địa điểm xây dựng, dọn sạch bom mìn còn xót lại sau chiến tranh cũng như để chi trả các trang thiết bị an ninh, đồ nội thất và một số kiến trúc khác.
Nhưng dù ông Lungesco hay Tổng thư ký Anders Rasmussen biện luận giỏi đến đâu cũng khó mà thuyết phục được những người phản đối. Hạ nghị sĩ John Glen, thành viên Ủy ban quốc phòng thuộc Hạ viện Anh, nói rằng ông cảm thấy “thất vọng” khi Luân Đôn đóng góp tới 12,5% kinh phí xây dựng trụ sở mới của NATO. Và không chỉ chuyện tài chính, dư luận châu Âu đặt lại câu hỏi về mục tiêu tồn tại của NATO - một liên minh có từ thời Chiến tranh lạnh, khi mối quan hệ của NATO với Nga đang phát triển ngày càng gần gũi.
KIẾN HÒA
(Theo AP, Telegraph, DM)