24/03/2009 - 21:34

Chưa cải tổ IMF

Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn (giữa) trong cuộc họp báo về khủng hoảng tài chính toàn cầu ở Washington hôm 18-3.
Ảnh: AP

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) diễn ra vào đầu tháng 4 tới sẽ không bàn về việc cải tổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Igor Shuvalov, văn kiện chuẩn bị cho hội nghị G20 không đề cập đến bất kỳ quyết định quan trọng nào về phương thức hoạt động của IMF. Đây là vấn đề các nước BRIC (gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil) đặc biệt quan tâm, bởi họ đang nỗ lực vận động tăng thêm quyền biểu quyết ở định chế tài chính bị coi là có cơ cấu lỗi thời này.

Mục tiêu ban đầu của IMF khi đi vào hoạt động năm 1945 là tái thiết trật tự tiền tệ quốc tế và thị trường tài chính bị sụp đổ sau Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, những nhược điểm bên trong của các định chế Bretton Woods (ngoài IMF còn có Ngân hàng Thế giới -WB) do Mỹ và châu Âu thao túng đã dẫn tới sự sụp đổ dần hệ thống tài chính toàn cầu. Kinh tế thế giới đang trải qua những thay đổi lớn với ảnh hưởng ngày càng tăng của một số nền kinh tế mới nổi. Do đó cải tổ IMF là cần thiết.

Theo kế hoạch cải tổ được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh IMF hồi năm ngoái, tỷ lệ chia phiếu bầu của các nước phát triển sẽ giảm từ 59,5% xuống còn 57,9%, trong khi các nước đang phát triển tăng từ 40,5% lên 42,1%. Tuy nhiên, tình trạng các nước phát triển nắm hầu hết quyền biểu quyết vẫn không có gì thay đổi. Trong khi Liên minh châu Âu (EU) có tới 32% quyền biểu quyết, Mỹ có 17%, thì Trung Quốc chỉ có 3,7%, Nga được 2,7%, Brazil 1,4% và Ấn Độ 1,9%, bất chấp BRIC đóng góp hơn 10% tổng sản phẩm toàn cầu. Đặc biệt, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới nhưng lại có quyền biểu quyết tương đương Ý, đứng thứ bảy trong bảng xếp hạng các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Cuối tuần rồi, Thủ tướng Úc Kevin Rudd tuyên bố ủng hộ Trung Quốc có vai trò lớn hơn tại IMF. Úc là đồng chủ tịch G20 về cải tổ các định chế quốc tế và đang tận dụng vị thế này để thay đổi cơ cấu phiếu bầu. Theo kế hoạch của Úc, quyền biểu quyết của Trung Quốc sẽ được tăng lên, nhưng đổi lại nước này phải cung cấp nhiều tài chính cho việc tăng nguồn quỹ của IMF từ 250 tỉ USD lên 500 tỉ USD.

Trong số các giải pháp đề xuất tại hội nghị G20 sắp tới, Nga đề nghị thành lập đồng tiền dự trữ mới, do các định chế tài chính quốc tế phát hành. Hôm 23-3, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cũng kêu gọi cho ra đời một đồng tiền dự trữ thay thế vai trò của đô-la Mỹ. Động thái của ông Chu Tiểu Xuyên được xem như để đáp trả những chỉ trích của Mỹ đối với chính sách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc. Washington cho rằng Bắc Kinh định giá thấp đồng Nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu, dẫn đến thâm hụt của Mỹ trong buôn bán với Trung Quốc lên tới 266 tỉ USD hồi năm ngoái.

N.MINH (Theo Reuters, AFP, FT)

Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn (giữa) trong cuộc họp báo về khủng hoảng tài chính toàn cầu ở Washington hôm 18-3. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết