13/05/2008 - 10:25

Sau tổng tuyển cử ở Serbia:

Chính trường vẫn còn đầy bất trắc

Tổng thống thân phương Tây Boris Tadic vui mừng thông báo chiến thắng, nhưng phía trước là chặng đường đầy thách thức.

Theo kết quả sơ bộ, do Ủy ban bầu cử Serbia công bố ngày 12-5, liên minh “Vì một nước Serbia của châu Âu” do Đảng dân chủ (DS) của Tổng thống Boris Tadic lãnh đạo giành gần 39% tổng số phiếu bầu (tương đương 103 ghế) trong cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn diễn ra trước đó một ngày. Đảng Cấp tiến Serbia (SRS) của ông Tomislav Nikolic đứng thứ hai với 28,6% số phiếu (77 ghế), kế đến là Đảng Dân chủ Serbia (DSS) của Thủ tướng từ nhiệm Vojislav Kostunica với 11,6% số phiếu (30 ghế) và Đảng Xã hội chủ nghĩa Serbia (SPS) của cố Tổng thống Slobodan Milosevic với 8,2% số phiếu (21 ghế). Đảng Dân chủ Tự do, phái chính trị duy nhất công khai ủng hộ Kosovo độc lập, giành được 5,2% số phiếu và sẽ có 13 ghế trong quốc hội. Đây là kết quả khá bất ngờ bởi nhiều dự báo trước đó cho rằng SRS có nhiều khả năng giành chiến thắng hơn cả.

Mặc dù đây chưa phải là kết quả chính thức, nhưng Tổng thống Tadic lập tức tuyên bố thắng cử và khẳng định kết quả cuộc bầu cử quốc hội lần này cũng như cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng Giêng vừa qua (mà ông giành chiến thắng trước đối thủ Nikolic) chứng tỏ người dân Serbia mong muốn đất nước họ gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Ông nhấn mạnh rằng sẵn sàng thương lượng về việc thành lập chính phủ liên hiệp với bất kỳ lực lượng chính trị nào ưu tiên đưa Serbia gia nhập EU. Tuy dẫn đầu, nhưng liên minh ủng hộ Tổng thống Tadic phải có thêm sự ủng hộ của ít nhất 23 nghị sĩ nữa mới đủ đa số tối thiểu (126) trong cơ quan lập pháp 250 ghế để giành quyền đứng ra thành lập chính phủ mới. Vì vậy, ông Tadic phải đàm phán với các đảng phái khác. Tuy nhiên, khả năng liên minh của ông thu hút thêm đủ số ghế cần thiết xem ra là hết sức khó khăn. Đảng Dân chủ Tự do có quan điểm ủng hộ Serbia gia nhập EU bằng mọi giá có thể là sự lựa chọn ưu tiên của DS, nhưng đáng tiếc đảng này chỉ sở hữu 13 ghế.

Trong khi đó, khối cấp tiến theo đường lối dân tộc, ưu tiên việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước và kiên quyết phản đối Kosovo độc lập vẫn có khả năng giành quyền thành lập chính phủ mới, thậm chí khả năng này còn lớn hơn của phe ông Tadic. Nếu SRS liên minh được với DSS và SPS, thì khối này có thể tập hợp được 128 ghế. Ngay sau bầu cử, ông Nikolic kêu gọi các đảng cấp tiến khác liên minh với nhau để thành lập chính phủ mới và điều này dường như đang diễn ra khá thuận lợi. Thủ tướng từ nhiệm Kostunica tuyên bố kiên quyết không liên minh với khối thân Tổng thống Tadic, đồng thời khẳng định chỉ liên minh với các chính đảng nào có quan điểm giống quan điểm của DSS. Thủ lĩnh SPS cũng khẳng định ưu tiên thành lập liên minh với các đảng theo đường lối dân tộc.

Liệu Serbia sẽ có một chính phủ thân phương Tây hay theo đường lối dân tộc? Chính trường Serbia xem ra còn đầy bất trắc.

PHÚC NGUYÊN

(Tổng hợp từ AFP, Reuters, BBC, TTXVN)

Chia sẻ bài viết