12/12/2008 - 08:02

Chính phủ Hi Lạp lung lay !

Người biểu tình xô xát với cảnh sát trước tòa nhà Quốc hội Hi Lạp.
Ảnh: AFP

Cuộc tổng đình công hôm 10-12 của hai tổ chức công đoàn lớn nhất Hi Lạp là Tổng liên đoàn lao động (GSEE) và Liên hiệp công đoàn viên chức (ADEDY), diễn ra trong bối cảnh xung đột giữa các nhóm thanh niên và cảnh sát leo thang, càng đẩy nước này chìm sâu vào khủng hoảng. Mặc dù Thủ tướng Costas Karamanlis tuyên bố nỗ lực vãn hồi trật tự, nhưng các nhà phân tích cho rằng chính quyền của ông sẽ lung lay nếu không dẹp được bạo lực đường phố.

Vụ việc bắt đầu hôm 6-12 khi cảnh sát trấn áp một nhóm khoảng 30 thanh niên biểu tình ở quận Exarchia, trung tâm Thủ đô Athens, và bắn chết thiếu niên 15 tuổi Alexis Grigoropoulos. Kết quả điều tra ban đầu cho rằng Grigoropoulos chết do đạn nẩy lên sau khi cảnh sát bắn cảnh báo chứ không phải do cố ý. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được các nhóm thanh niên giận dữ đổ xuống đường ở nhiều thành phố. Xung quanh tòa nhà Quốc hội, cảnh sát chống bạo động phải dùng hơi cay để giải tán những người biểu tình.

Tình trạng bạo lực hiện nay chủ yếu do những người theo chủ nghĩa vô chính phủ và các đảng cực đoan ở Hi Lạp gây ra. Các nhóm này đã xung đột với cảnh sát trong nhiều thập niên qua, nhất là kể từ khi Hi Lạp có chính quyền quân sự giai đoạn 1967-1974. Cái chết của Grigoropoulos như đổ thêm dầu vào lửa trong lúc không ít thanh niên đang bi quan về tương lai do chính sách phát triển kinh tế không hiệu quả của chính phủ. Viễn cảnh việc làm cho sinh viên và các vụ bê bối tài chính của chính phủ cũng làm họ mất niềm tin. Lên nắm quyền năm 2004, ông Karamanlis đã tiến hành những thay đổi bất thường trong hệ thống lương hưu, tư nhân hóa và nới lỏng kiểm soát nhà nước đối với giáo dục bậc cao. Các chính sách này bị chỉ trích là làm giảm sức mua và suy yếu chất lượng giáo dục.

Để cứu sự nghiệp chính trị, đầu tuần này, Thủ tướng Karamanlis đã có cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo đối lập, kêu gọi họ giúp đỡ vãn hồi trật tự đường phố. Tuy nhiên, George Papandreou, lãnh đạo đảng Xã hội, bác bỏ và kêu gọi tiến hành bầu cử sớm vì cho rằng đảng Bảo thủ cầm quyền không có khả năng bảo vệ người dân. Hiện đảng Bảo thủ chỉ chiếm đa số mỏng manh với 1 ghế nhiều hơn yêu cầu trong Quốc hội 300 ghế. Điều này có nghĩa là chỉ cần một nghị sĩ ly khai thì Thủ tướng Karamanlis sẽ bị phế truất. Trong khi đó, các cuộc khảo sát mới đây cho thấy phe đối lập sẽ giành thắng lợi nếu diễn ra bầu cử trước thời hạn.

N.MINH (Theo NY Times, AP, Reuters)

Người biểu tình xô xát với cảnh sát trước tòa nhà Quốc hội Hi Lạp. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết