20/03/2009 - 21:59

Chiến tranh Iraq - Vết thương lâu dài của nước Mỹ

Biểu tình chống chiến tranh Iraq trước Đại sứ quán Mỹ ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 20-3.
Ảnh: Reuters

Hôm qua, nước Mỹ tổ chức lễ kỷ niệm 6 năm chiến tranh Iraq với nhiều điểm khác những năm trước: Washington đặt ra thời gian cụ thể về việc rút quân khỏi Iraq, trọng tâm “cuộc chiến chống khủng bố” được chuyển từ Iraq sang chiến trường Afghanistan và tập trung thực hiện các giải pháp vực dậy nền kinh tế Mỹ đang trên đà tuột dốc. Điều đặc biệt là người Mỹ tỏ ra không mấy quan tâm tới cuộc chiến Iraq, mặc dù những ảnh hưởng của nó đối với mọi mặt đời sống xã hội Mỹ vẫn tồn tại và có thể kéo dài nhiều năm nữa.

Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, Washington chi tổng cộng 700 tỉ USD cho cuộc chiến Iraq tính tới cuối tài khóa này (tháng 9-2009). Nếu cộng thêm khoản chiến phí mới đây theo đề nghị của Tổng thống Barack Obama cho tài khóa 2010 thì chi phí tổng cộng lên tới 800 tỉ USD. Còn nếu tính luôn các khoản chi “ngầm” về thay đổi vũ khí và bồi thường cho binh sĩ thì người đóng thuế Mỹ phải góp tới 2.000-3.000 tỉ USD cho cuộc chiến này. Do vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng tác động về mặt kinh tế sẽ lâu dài hơn cả thời gian chiến tranh.

Tuy số binh sĩ Mỹ thương vong ở Iraq giảm mạnh từ đầu năm 2008, nhưng hầu như ngày nào cũng có lính Mỹ bỏ mạng tại chiến trường này. Tính đến ngày 17-3, ít nhất 4.259 binh sĩ Mỹ và gần 100.000 dân thường Iraq đã thiệt mạng trong chiến tranh. Các nhà quan sát cho rằng thiệt hại của quân đội Mỹ sẽ còn tăng ít nhất là trong 18 tháng nữa, thời điểm ông Obama rút hầu hết quân đội Mỹ khỏi Iraq. Trong khi đó, nhuệ khí binh sĩ Mỹ tham gia chiến tranh Iraq đang xuống thấp và nhiều binh sĩ gặp vấn đề về sức khỏe. Thời báo New York mới đây cho biết khoảng 20% binh sĩ Mỹ có thể bị tổn thương não do 2 cuộc chiến dai dẳng ở Iraq và Afghanistan.

Ngay cả khi chiến tranh không còn là sự quan tâm hàng đầu của cử tri, nước Mỹ vẫn tiếp tục chia rẽ về vấn đề này. Một số người ủng hộ ông Obama trong cuộc bầu cử năm ngoái cũng bắt đầu thất vọng về tân tổng thống, vì cho rằng ông không thực hiện cam kết rút quân khỏi Iraq trong vòng 16 tháng kể từ khi lên nắm quyền. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ ủng hộ ông Obama giảm từ 64% xuống còn 59% trong tháng 2, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew về Con người và Báo chí . Quan trọng hơn, phe Dân chủ và Cộng hòa vẫn có cái nhìn trái ngược nhau về bản chất của cuộc chiến Iraq. Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy khoảng 82% thành viên đảng Con Lừa coi chiến tranh là sai lầm, trong khi đa số thành viên đảng Con Voi suy nghĩ ngược lại. Vấn đề này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực xây dựng chính quyền lưỡng đảng của Tổng thống Obama.

N.MINH
(Theo THX, FoxNews, Washingtonpost)

Biểu tình chống chiến tranh Iraq trước Đại sứ quán Mỹ ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 20-3. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết