22/08/2024 - 08:03

Chiến lược hạt nhân bí mật của chính quyền Biden 

Ngày 20-8, Nhà Trắng tuyên bố kế hoạch chiến lược hạt nhân bí mật được Tổng thống Joe Biden phê duyệt hồi tháng 3 năm nay không nhằm đối phó với một quốc gia hay mối đe dọa nào. Phản ứng được đưa ra vài giờ sau khi tờ New York Times loan tin Mỹ đã định hướng lại chiến lược răn đe để lần đầu tiên tập trung vào chương trình mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-5B của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

New York Times nói Nhà Trắng chưa bao giờ thông báo rằng Tổng thống Biden đã phê duyệt chiến lược sửa đổi, mang tên “Hướng dẫn triển khai hạt nhân”, nhưng một thông báo về bản sửa đổi này dự kiến ​​sẽ được trình lên Quốc hội trước khi ông Biden rời nhiệm sở vào đầu năm 2025.

Bài báo tiết lộ, gần đây 2 quan chức cấp cao trong chính quyền đã được phép đề cập đến chiến lược sửa đổi. Tài liệu này được cập nhật sau mỗi ít nhất 4 năm, được phân loại bí mật đến mức không có bản sao điện tử, chỉ có bản sao cứng dành cho một số quan chức an ninh quốc gia và chỉ huy Lầu Năm Góc.

Phản ứng trước thông tin trên, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Savett nêu rõ: “Giống như 4 chính quyền tiền nhiệm, chính quyền hiện tại đã ban hành Đánh giá thế trận hạt nhân và Hướng dẫn lập kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân. Mặc dù văn bản cụ thể của Hướng dẫn được coi là mật, song sự tồn tại của nó không phải là bí mật. Hướng dẫn được ban hành vào đầu năm nay không nhằm đối phó đối với bất kỳ thực thể, quốc gia hay mối đe dọa nào”.

Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA, có trụ sở tại Mỹ), chiến lược và thế trận vũ khí hạt nhân của nước này vẫn giống như được mô tả trong Đánh giá thế trận hạt nhân năm 2022 và không có sự tái định hướng nào từ Nga sang Trung Quốc.

Daryl Kimball, Giám đốc điều hành ACA, lưu ý trong khi tình báo Mỹ ước tính Trung Quốc có thể tăng quy mô kho vũ khí hạt nhân của nước này từ 500 lên 1.000 đầu đạn vào năm 2030, Nga hiện có khoảng 4.000 đầu đạn hạt nhân và đây vẫn là động lực chính thúc đẩy chiến lược hạt nhân của Washington. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc vào mùa thu năm ngoái, Mỹ có khoảng 3.700 đầu đạn hạt nhân trong kho dự trữ và khoảng 1.419 vũ khí hạt nhân chiến lược được triển khai.

Theo những phát biểu hồi tháng 6 của ông Pranay Vaddi, Giám đốc phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí thuộc Hội đồng An ninh quốc gia, chiến lược của Mỹ là theo đuổi các biện pháp hạn chế vũ khí hạt nhân với Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh tiếp tục đi theo quỹ đạo hiện tại và Mát-xcơ-va vượt quá giới hạn của thỏa thuận New START, thì ở một thời điểm nào đó trong tương lai, Mỹ có thể phải cân nhắc điều chỉnh quy mô, thành phần lực lượng hạt nhân của nước này. Ông Kimball tin rằng thời điểm đó sẽ không xảy ra cho đến năm 2030.

Quan chức thứ hai được phép ám chỉ đến chiến lược sửa đổi là Vipin Narang, một chiến lược gia hạt nhân từng phục vụ tại Lầu Năm Góc. Hồi đầu tháng này, ông Narang cho biết Tổng thống Biden đã ban hành bản cập nhật hướng dẫn triển khai vũ khí hạt nhân và đặc biệt hướng dẫn mới có tính đến “sự gia tăng đáng kể về quy mô và tính đa dạng” của kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc.

Những bình luận về chiến lược hạt nhân của Mỹ xuất hiện trong bối cảnh New START, thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân lớn cuối cùng với Nga, hết hạn vào đầu năm 2026 mà các bên vẫn chưa thống nhất văn kiện thay thế.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, Guardian)

 

 

Chia sẻ bài viết