06/04/2016 - 14:36

Chi tiêu quân sự toàn cầu gần 1.700 tỉ USD

Báo cáo chi tiêu quân sự thường niên của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) công bố hôm 4-4 cho biết, chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2015 lên tới 1.670 tỉ USD, tăng khoảng 1% so với năm 2014 và tương đương 2,3% tổng GDP của thế giới.

Đây là lần đầu tiên chi tiêu quân sự toàn cầu tăng kể từ năm 2011, một phần là do ngân sách quốc phòng tăng mạnh tại châu Á, châu Đại Dương, Trung Âu, Đông Âu và một số quốc gia giàu có ở vùng Vịnh.

Chi tiêu quân sự của Saudi Arabia tăng mạnh trong những năm gần đây. Ảnh: AP

Theo báo cáo, Mỹ vẫn là nước chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới với 596 tỉ USD, giảm 2,4 % so với năm 2014 nhưng vẫn cao gấp ba lần so với con số 215 tỉ USD của "á quân" Trung Quốc. Trong khi đó, Saudi Arabia (87,2 tỉ USD) đã vượt qua Nga (66,4 tỉ USD) để giành vị trí thứ ba. Do đồng euro mất giá, Anh rớt xuống vị trí thứ năm (55,5 tỉ USD), trong khi Ấn Độ (53,8 tỉ USD) và Pháp (50,9 tỉ USD) lần lượt xếp sau đó. Đặc biệt, trong năm 2015, Iraq đã chi 13,1 tỉ USD cho lĩnh vực quân sự, tăng hơn 500% so với năm 2006, do nước này phải phát triển các lực lượng vũ trang sau khi Mỹ rút quân và trước sự hoành hành của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Báo cáo cũng cho biết, do tác động của tình trạng giá dầu sụt giảm, chi tiêu quân sự năm 2015 có phần giảm tại các nước như Angola, Chad, Ecuador, Kazakhstan, Oman, Nam Sudan và Venezuela.

Theo SIPRI, chi tiêu quân sự ở châu Á và châu Đại Dương năm 2015 tăng 5,4% lên 438 tỉ USD, trong đó Trung Quốc chiếm xấp xỉ một nửa và tiếp tục có xu hướng mạnh tay chi cho lĩnh vực này. Và trong khi chi tiêu quân sự ở châu Âu (chủ yếu là Đông Âu) tăng 1,7% lên 328 tỉ USD, thì chi tiêu quân sự ở Mỹ La-tinh và vùng Caribe lại giảm 2,9% xuống còn 67 tỉ USD. Riêng chi tiêu quân sự tại châu Phi giảm đến 5,3%, chỉ đạt khoảng 37 tỉ USD. Chi tiêu quân sự tại Bắc Mỹ, Tây Âu cũng giảm mạnh, phần lớn là do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dầu rớt giá cũng như việc Mỹ và các đồng minh NATO rút quân khỏi Afghanistan và Iraq. "Xu hướng chi tiêu quân sự một mặt phản ánh sự xung đột và căng thẳng leo thang ở nhiều nơi trên thế giới. Mặt khác nó cho thấy một sự thay đổi rõ ràng trong chi tiêu quân sự so với thời kỳ giá dầu tăng cao. Tình hình kinh tế và chính trị không ổn định tạo ra một bức tranh không mấy rõ ràng trong những năm tới" - SIPRI nhận định.

SIPRI ước tính chỉ cần khoảng 10% trong số tiền 1.670 tỉ USD chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2015 là đủ để hỗ trợ mục tiêu chấm dứt đói nghèo vào năm 2030 của Liên Hiệp Quốc. Hiện trên thế giới có 800 triệu người sống trong cảnh cực nghèo và thường xuyên bị đói, một phần là do các cuộc xung đột gây ra.

TRÍ VĂN (Theo Defense News, Telegraph, Reuters)

Chia sẻ bài viết