30/12/2011 - 14:26

Chỉ có Iran mới cứu được Iraq ?

Thủ tướng Iraq al-Maliki (trái) và Tổng thống Iran Ahmadinejad trong một lần sát cánh bên nhau ở một hội nghị A-rập. Ảnh: Uruknet

Một số nguồn tin cho biết giữa chính quyền Baghdad và Tehran đã bắt đầu thảo luận khả năng Iran giúp làm trung gian hòa giải cuộc xung đột chính trị ngày càng căng thẳng hiện nay ở Iraq. Nhân sự kiện này, Mohammed Ayoob, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Michigan và là học giả của Viện chính sách xã hội và tri thức (Mỹ) có bài viết đặc biệt trên website của hãng tin CNN nói về vai trò không thể thiếu của Iran tại Iraq, trong đó ông nhấn mạnh “chỉ có Iran mới có thể cứu Iraq”.

Trước tiên, ông Ayood nói rằng ở Iraq hiện tại có hai thực tế không thể chối cãi. Thứ nhất, đó là cuộc chiến xâm lược của Mỹ đã kết thúc trong thất bại với cái giá 4.500 lính Mỹ mất mạng (chưa kể số lính đánh thuê khổng lồ không mang quốc tịch Mỹ) và khoảng 100.000-200.000 người Iraq chết. Iraq không có vũ khí hủy diệt hàng loạt hay có quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda, và Iraq ngày nay cũng không thể có một trật tự dân chủ mà Mỹ cam đoan trước khi tiến đánh nước này năm 2003. Sự kết thúc của Mỹ ở Iraq chỉ khiến nước này đối mặt với cuộc xung đột sắc tộc chưa từng thấy và hoàn toàn mất khả năng tự lập, dẫn đến cán cân quyền lực trong khu vực Vịnh Persic giàu dầu mỏ nghiêng về phía Iran.

Thứ hai, chỉ có Iran mới có thể ngăn chặn Iraq sa vào vực thẳm hỗn loạn và tan rã, bởi đơn giản Iran mới có tác động lớn nhất đối với chính quyền của Thủ tướng Nouri al-Maliki do người Hồi giáo dòng Shiite chế ngự. Ông al-Maliki đã không thể thành lập được chính phủ chia sẻ quyền lực sau 9 tháng đàm phán và trở thành thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai sau cuộc bầu cử tháng 3-2010 nếu ông không phục vụ lợi ích của Iran. Iran thật sự là nước có công lớn nhất giúp Iraq duy trì sự thống nhất và đảm bảo chủ quyền, và ngược lại, sự tan rã của Iraq có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự toàn vẹn lãnh thổ và tham vọng trở thành một thủ lĩnh Trung Đông của Iran.

Các đảng phái lớn của người Hồi giáo dòng Shiite như Dawa, al-Sadr, Hội đồng Hồi giáo Tối cao Iraq dù bản chất không do người Iran tạo ra, nhưng hết thảy trong số này đã “chịu ơn” Iran bằng nhiều hình thức khác nhau. Các nhà lãnh đạo của họ phải sống lưu vong ở Iran dưới thời Saddam Hussein, còn các thuộc cấp thì được Lực lượng Phòng vệ Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) huấn luyện. IRGC hiện vẫn tiếp tục huấn luyện và cung cấp vũ khí cho các tổ chức quân sự dòng Shiite và bất cứ khi nào các quan chức của các đảng phái này gặp biến cố đều phải sang Iran lánh nạn, như trường hợp của giáo sĩ chống Mỹ Moqtada al-Sadr mấy năm qua.

Iran cũng đóng vai trò sinh tử đối với nền kinh tế Iraq, nhất là ở khu vực phía Nam do người Shiite chiếm đa số. Vô số người hành hương Iran đến các vùng đất thánh như thành phố Najaf và Karbala là “nhựa sống” của hàng ngàn công dân Iraq địa phương. Hàng hóa giá rẻ của Iran tràn ngập thị trường Iraq và các nhà thầu Iran đóng vai trò quan trọng trong các dự án phát triển kết cấu hạ tầng như điện, y tế, nhà ở tại Iraq. Iran là đối tác thương mại lớn thứ hai của Iraq sau Thổ Nhĩ Kỳ và là nơi hỗ trợ tài chính cho nhiều thiết chế, đảng phái và các nhà lãnh đạo lưu vong người Shiite.

Sự phụ thuộc của Iraq vào Iran ngày càng lớn khi người Mỹ đã không còn là “trụ chống đỡ” cho Baghdad. Thủ tướng al-Maliki nếu chưa thì sớm cũng nhận ra rằng Iraq sẽ bị bao vây bởi một loạt các nước láng giềng Hồi giáo dòng Sunni thù địch tiềm ẩn, từ Arabie Séoudite, Jordanie cho đến Ai Cập và tương lai có thể cả Syrie. Iran rõ ràng là một đồng minh đáng tin cậy nhất và cũng là nước duy nhất mà Iraq không thể lánh xa. Ông al-Maliki dù muốn hay không cũng phải chấp nhận một hệ thống chính trị chia sẻ quyền lực giữa người Shiite, Sunni và Kurd vốn lần lượt chiếm gần 60%, 20% và 20% dân số, chứ nếu không khu vực bán tự trị Kurdistan có thể tuyên bố độc lập và gây hậu quả nghiêm trọng cho Iran và Thổ Nhĩ Kỳ vì cộng đồng Kurd thiểu số nằm giáp biên giới Iraq có thể noi theo.

Vì thế, xét ở một góc độ nào đó, việc chính phủ chia sẻ quyền lực của Thủ tướng al-Maliki đang đứng bên bờ vực sụp đổ do những động thái của ông trong thời gian gần đây không chỉ gây tổn hại cho chính lợi ích của Iraq mà cả hình ảnh của Iran tại Trung Đông, nơi mà người ta coi Iran là nhà tài trợ chính cho chính quyền của ông al-Maliki. Cho nên, chẳng có gì lạ khi dư luận dồn sự chú ý vào cuộc mặc cả giữa Baghdad và Tehran mà những diễn biến tiếp theo trên chính trường Iraq có ảnh hưởng từ sự dàn xếp này.

KIẾN HÒA (Theo CNN) 

Thủ tướng Iraq al-Maliki (trái) và Tổng thống Iran Ahmadinejad trong một lần sát cánh bên nhau ở một hội nghị A-rập. Ảnh: U

Chia sẻ bài viết