05/10/2021 - 23:05

Chạy đua phát triển tên lửa siêu vượt âm 

Nga vừa lần đầu tiên bắn thử thành công tên lửa hành trình siêu vượt âm Tsirkon từ tàu ngầm. Mát-xcơ-va hiện dẫn đầu cuộc đua, theo sau là Trung Quốc và Mỹ, trong khi ít nhất 5 quốc gia khác cũng đang nghiên cứu công nghệ quân sự này.

Gay cấn cuộc đua chế tạo “siêu vũ khí”

Nga dự định trang bị tên lửa Tsirkon cho tàu tuần dương, khu trục hạm và tàu ngầm. Ảnh: Navy Recognition

Nga dự định trang bị tên lửa Tsirkon cho tàu tuần dương, khu trục hạm và tàu ngầm. Ảnh: Navy Recognition

Theo thông báo hôm 4-10 của Bộ Quốc phòng Nga, tàu ngầm Severodinsk đã bắn thử tên lửa Tsirkon ở Biển Barents và đánh trúng mục tiêu đã định. Tháng 7 vừa qua, Nga cũng đã phóng thử Tsirkon từ một tàu chiến. Tên lửa bay với vận tốc Mach 7 (gấp 7 lần tốc độ âm thanh, tương đương 8.500km/h) với tầm bắn hơn 350km. Các cuộc thử nghiệm Tsirkon dự kiến hoàn tất trước cuối năm nay và tên lửa sẽ được biên chế cho hải quân Nga vào năm 2022.

Nga được coi là quốc gia đi đầu về công nghệ vũ khí siêu vượt âm với hàng loạt mẫu tên lửa đã được phát triển. Nước này đang biên chế đầu đạn lướt siêu vượt âm Avangard có tốc độ tối đa 33.000km/h được đặt trên khung tên lửa đạn đạo liên lục địa. Không quân Nga cũng đã trang bị tên lửa Kinzhal đạt vận tốc Mach 10 (12.000km/h) trên tiêm kích hạng nặng MiG-31K.

Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực phát triển tên lửa siêu vượt âm, coi đây là khí tài quan trọng để đối phó trước những tiến bộ của Mỹ. Hồi năm 2019, Bắc Kinh đã ra mắt tên lửa đạn đạo DF-17 có vận tốc Mach 5 - Mach 10. DF-17 được cho là một trong các vũ khí siêu vượt âm đầu tiên trên thế giới và đủ mạnh để xuyên thủng các lớp phòng thủ tên lửa của Mỹ trong khu vực. Tầm bắn của nó đạt 2.500km, có thể vươn tới các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc khi được phóng từ sâu bên trong Trung Quốc.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Mỹ vạch ra một chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm, dự định tiến hành tới 40 vụ bắn thử trong 5 năm tới. Washington đã chi hàng tỉ USD cho nhiều dự án, trong đó nổi bật là mẫu ARRW AGM-183A của không quân, cùng dự án “Phương tiện lướt siêu vượt âm chung” của hải quân và lục quân. Tuần rồi, Mỹ thông báo thử nghiệm thành công vũ khí siêu vượt âm HAWC có tốc độ trên Mach 5. Theo đó, HAWC đã bay trong tầng khí quyển cao với tốc độ 6.200km/h và đáp ứng “tất cả các mục tiêu thử nghiệm chính”, đánh dấu lần đầu tiên thành công kể từ năm 2013. Ngân sách quân sự của Mỹ trong năm tài chính 2022 sẽ chi 3,8 tỉ USD cho việc phát triển vũ khí siêu vượt âm, tăng so với 3,2 tỉ USD của năm nay.

Không đứng ngoài cuộc, Triều Tiên cũng đã bắt đầu chạy đua với các cường quốc trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm, dù vẫn còn nhiều hoài nghi về năng lực. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên hôm 29-9 thông báo nước này đã phóng thành công tên lửa siêu vượt âm Hwasong-8 mang một đầu đạn.

Tốc độ của đầu đạn Triều Tiên không được tiết lộ, nhưng Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc ước tính con số đó chỉ hơn 3.700km/h, tức Mach 3. Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ tối thiểu Mach 5, tương đương 6.200km/h. Những vũ khí bay nhanh hơn vận tốc âm thanh nhưng không đạt ngưỡng Mach 5 thường chỉ được gọi là tên lửa siêu thanh.

Ngoài những nước trên, Pháp, Đức, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng đang phát triển vũ khí siêu vượt âm, trong khi Iran, Israel và Hàn Quốc đã thực hiện những nghiên cứu cơ bản về công nghệ này.

Tại sao các nước cần tên lửa siêu vượt âm?

Cũng giống như các tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu vượt âm có thể mang theo đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường. Tuy nhiên, trong khi tên lửa đạn đạo bay lên cao theo hình cung thì tên lửa siêu vượt âm chỉ bay ở quỹ đạo thấp, nên có thể đánh trúng mục tiêu nhanh hơn. Tốc độ cao, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến vũ khí siêu vượt âm rất khó bám bắt và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống, đặt ra thách thức lớn cho mọi lưới phòng không hiện đại. Tuy các nước như Mỹ đã phát triển các hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, song khả năng bám theo và bắn hạ tên lửa siêu vượt âm vẫn còn bị hoài nghi.

Giới chuyên gia nhận định tên lửa siêu vượt âm sẽ không thay đổi cán cân hạt nhân thế giới, nhưng vũ khí này được xem là cách thức mới để mang đầu đạn, bên cạnh bộ ba hạt nhân gồm máy bay ném bom chiến lược, tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất và tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm. Rủi ro lớn ở đây là không biết tên lửa siêu vượt âm của đối thủ mang đầu đạn hạt nhân hay thông thường.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, CBS)

Chia sẻ bài viết