13/08/2011 - 07:50

Châu Âu, Trung Quốc trấn an thị trường tài chính

Các nước châu Âu, cũng như Trung Quốc đang có những động thái mới nhằm ổn định kinh tế thế giới, khi các nhà đầu tư lo ngại nợ công ở châu Âu và Mỹ gây xáo động các thị trường tài chính.

Theo Nhật báo Phố Wall của Mỹ, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ gặp nhau tại Paris vào ngày 16-8 tới nhằm tìm cách tăng cường điều hành kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tuyên bố từ Điện Élysée hôm 11-8 cho biết hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức sẽ đưa ra nhiều kiến nghị trong khuôn khổ thỏa thuận vừa được các nhà lãnh đạo Eurozone nhất trí hôm 21-7 về việc mở rộng gói giải cứu thứ hai cho Hy Lạp. Họ cũng lặp lại tuyên bố phản đối kế hoạch trái phiếu Eurozone, bởi vì việc phát hành sẽ phải được cử tri châu Âu thông qua, mà thời điểm hiện nay theo họ là “chưa chín muồi”. Thay vào đó, bộ đôi Sarkozy và Merkel, vốn có vai trò quan trọng tạo sự nhất trí trong khu vực, sẽ tập trung vào việc làm thế nào để sắp xếp tốt hơn các chính sách tài chính và ngân sách khắp Eurozone, cũng như tăng cường sự hợp tác giữa các nước thành viên.

Tổng thống Pháp Sarkozy (trái) và Thủ tướng Đức Merkel nỗ lực tìm giải pháp tài chính cho châu Âu. Ảnh: AFP 

Khủng hoảng nợ dẫn tới các gói cứu trợ cho Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đã cho thấy “điểm yếu” trong cơ cấu Eurozone: Đó là mặc dù 17 nước cùng sử dụng đồng euro, nhưng họ chỉ giám sát hạn chế các chính sách ngân sách lẫn nhau. Kết quả là một nước “vung tay quá trán” có thể tác động đến ngân sách nước khác và hủy hoại niềm tin vào đồng euro.

Bên cạnh đó, bốn nước Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bỉ đã ban hành lệnh cấm bán khống cổ phiếu nhằm hạn chế việc các nhà đầu cơ thu lợi từ những tin đồn thất thiệt. Tuy nhiên, những nước khác như Anh không đưa ra lệnh cấm tương tự.

Khi các nền kinh tế Mỹ và châu Âu bị “kiềm chặt” với gánh nặng nợ, kinh tế toàn cầu đang trông chờ nhiều hơn từ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng tỏ dấu hiệu sẽ đảm nhận vai trò chủ động hơn trong nỗ lực trấn an các thị trường trong nước và thế giới, khi “bơm” tiền mặt vào hệ thống ngân hàng và nới lỏng việc kiểm soát đồng nhân dân tệ. Ngân hàng trung ương Trung Quốc trong tuần này đã tung ra tổng cộng 10,95 tỉ USD vào thị trường tiền tệ nội địa, mức cao nhất kể từ tháng 6 năm ngoái. Động thái này nhằm giữ thị trường trong nước cân bằng với các quỹ đầu tư khi niềm tin vào thị trường toàn cầu lung lay.

Sau thông báo Sarkozy và Merkel sẽ gặp nhau, thị trường chứng khoán của Pháp đã có phản ứng tích cực. Cổ phiếu 3 ngân hàng của Pháp là Société Générale tăng 3,7%, BNP Paribas tăng 0,3% và Crédit Agricole tăng 5,1%. Chỉ số chứng khoán CAC-40 của Pháp kết thúc phiên giao dịch ngày 11-8 tăng 2,9%.

Trung Quốc cũng sẵn sàng tăng giá nhân dân tệ với tỷ lệ nhanh hơn nhằm kéo giảm giá hàng hóa nhập khẩu và giữ ổn định giá tiêu dùng. Bắc Kinh đang lo lắng tình hình lạm phát gia tăng sau thông báo của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) về việc giữ lãi suất ở mức cực thấp cho tới giữa năm 2013.

Với hơn 3.000 tỉ USD dự trữ ngoại hối và nắm giữ số lượng lớn nợ nước ngoài, Bắc Kinh có thể hành động nhanh chóng và kiên quyết vào thời điểm khủng hoảng để huy động các nguồn lực ổn định thị trường. Đồng nhân dân tệ mạnh hơn không chỉ giúp Bắc Kinh kiềm chế lạm phát mà còn giúp các nước khác vì Trung Quốc mở rộng nhập khẩu và thu hẹp xuất khẩu. Mặt khác, đây còn là lúc Trung Quốc xoa dịu sức ép từ Mỹ và châu Âu về việc tăng giá đồng nội tệ nhằm giảm thặng dư thương mại, vốn đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm qua, đạt 31,5 tỉ USD hồi tháng 7.

N. MINH (Theo WSJ, Guardian)

Chia sẻ bài viết