08/10/2011 - 09:34

Châu Âu nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính mới

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang mở rộng hầu bao để hỗ trợ ngành ngân hàng đang ngày càng bấp bênh và kiềm chế cuộc khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng euro (Eurozone) tránh nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng tín dụng mới, đẩy nền kinh tế toàn cầu trở lại suy thoái như cách đây 2 năm.

Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng tài chính trước khi kết thúc nhiệm kỳ.
Ảnh: AP
 

Ngày 6-10, tổ chức tiền tệ đại diện cho 17 nước thuộc Eurozone quyết định cung cấp cho các ngân hàng mọi khoản vay kỳ hạn 1 năm từ tháng 12-2011 đến cuối năm 2013. ECB hy vọng biện pháp tái cấp vốn cho các ngân hàng sẽ giúp bảo vệ họ khỏi các rủi ro từ thị trường tín dụng. Song song đó, ECB cũng duy trì việc cung ứng số lượng không giới hạn khoản vay ngắn hạn, với kỳ hạn thanh toán 3 tháng trong suốt nửa đầu năm tới và chi 40 tỉ euro để mua trái phiếu có bảo đảm của các ngân hàng.

Tại cuộc họp bàn về chính sách tiền tệ mới diễn ra ở thành phố Frankfurt (Đức) do Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet chủ trì, hội đồng điều hành của ngân hàng đã có nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề có nên cắt giảm lãi suất hay không. Kết quả là họ quyết định giữ nguyên mức lãi suất 1,5% và không nới lỏng chính sách tiền tệ. Dù vậy, các chuyên gia kinh tế dự báo ECB sẽ giảm lãi suất vào tháng 11 hoặc 12 tới, đồng thời cho rằng có lẽ ông Trichet muốn để dành quyết định cắt giảm lãi suất cho Mario Draghi (người Ý), người sẽ kế nhiệm ông giữ chức chủ tịch ECB vào ngày 1-11.

Sự thận trọng của ECB trái ngược hoàn toàn với động thái của Ngân hàng Trung ương Anh khi Ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng này hôm 6-10 quyết định bơm thêm 75 tỉ bảng (khoảng 115,7 tỉ USD) kích thích kinh tế, dù đang đối mặt với mức lạm phát cao 4,5%. Ngân hàng Trung ương Anh cho rằng đây là nỗ lực của họ nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tín dụng mới cũng như nguy cơ kinh tế Anh rơi vào suy thoái.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng quyết định tung gói kích thích tăng trưởng kinh tế của Ngân hàng Trung ương Anh chứng tỏ lo lắng đang bao trùm nền kinh tế này, đồng thời dự báo những động thái tương tự sẽ còn tiếp diễn. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mervyn King nói rằng hành động của ngân hàng chịu tác động bởi các dấu hiệu ngày càng tăng về một thảm họa kinh tế toàn cầu. “Đây là cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất mà chúng ta chứng kiến, ít nhất là kể từ thập niên 1930. Chúng ta đang đối phó với hoàn cảnh vô cùng bất thường, cần hành động bình tĩnh để đi đến quyết định đúng đắn”, ông Mervyn nói.

Chính sách cung cấp khoản vay cho các ngân hàng thuộc Eurozone của ECB được so sánh giống hệt cách mà cơ quan này từng làm trong cuộc suy thoái kinh tế sau sự sụp đổ của ngân hàng lớn Lehman Brothers hồi cuối năm 2008. Tuy vậy, ông Trichet vẫn kêu gọi các ngân hàng ở châu Âu làm mọi cách cần thiết để tự tái cơ cấu vốn đề phòng rủi ro, tiếp nhận sự hỗ trợ của chính phủ hoặc thông qua Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF).

THANH TRÚC (Theo Telegrapg, Financial Times, AP)

Chia sẻ bài viết