09/02/2018 - 09:48

Châu Âu nhẹ nhõm trước tín hiệu lạc quan từ Đức 

Sau hơn 4 tháng bế tắc, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ “đại liên minh” hôm 7-2. Nỗ lực này nhận được sự ủng hộ từ châu Âu nhưng cũng dấy lên chỉ trích từ liên đảng CDU/CSU khi bà Merkel bị cho là “nhượng bộ quá nhiều”.

Từ trái sang: Chủ tịch CSU Horst Seehofer, Thủ tướng Merkel và lãnh đạo SDP Schulz. Ảnh: Reuters

Sau cuộc đàm phán lâu nhất mà bà Merkel phải theo đuổi kể từ khi trở thành Thủ tướng Đức cách đây 13 năm, liên đảng Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) đã đạt được đồng thuận thành lập chính phủ liên minh với đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD). Một khi thỏa thuận được chính thức công bố, 460.000 thành viên SPD sẽ bỏ phiếu lấy ý kiến có liên minh hay không. Kết quả này dự kiến công bố vào đầu tháng 3 tới.

Theo giới quan sát, đạt thỏa thuận với SPD không phải là lựa chọn hoàn hảo đối với liên đảng bảo thủ của Thủ tướng Merkel bởi đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) sẽ trở thành lực lượng đối lập lớn nhất tại Quốc hội, điều mà nhiều người chưa hề nghĩ tới trước đây. Nhưng ít ra, đó cũng là giải pháp tốt nhất đối với bà Merkel trong số các kịch bản còn lại, hoặc lập chính phủ thiểu số hoặc tiến hành bầu cử mới. Về các điều khoản, bà Merkel sẽ tiếp tục làm Thủ tướng và CDU/CSU nắm Bộ Quốc phòng, Bộ Kinh tế cùng Bộ Nội vụ. Còn SDP nắm Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và Bộ Lao động. Thậm chí, đảng này có thể quản cả Bộ Tư pháp, Bộ Gia đình và Bộ Môi trường. Hiện có nguồn tin cho biết Chủ tịch SDP Martin Schulz sẽ từ chức lãnh đạo SPD và bàn giao trách nhiệm cho cựu Bộ trưởng Lao động Andrea Nahles. Thay vào đó, ông Schulz sẽ đảm nhận cương vị Ngoại trưởng trong chính phủ mới mặc dù nhân vật từng là Chủ tịch Nghị viện châu Âu này trước đây từng thề không bao giờ phục vụ trong nội các của bà Merkel.

Tại cuộc họp báo chiều 7-2, Thủ tướng Merkel ca ngợi thỏa thuận mới là “nền tảng cho một chính phủ mạnh mẽ và ổn định, đáp ứng đòi hỏi của đất nước và sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế”. Dù vậy, chính trị gia 64 tuổi cho biết việc phân chia bộ ngành là nhiệm vụ hết sức khó khăn bởi căn cứ trên các điều khoản, CDU/CSU chỉ còn phụ trách các mảng kinh tế, quốc phòng, sức khỏe, giáo dục và không thực sự nắm bộ ngành có ảnh hưởng lớn nào ngoài cương vị thủ tướng của bà Merkel. Đặc biệt, Thủ tướng Đức cũng thừa nhận sự bất mãn trong nội bộ đảng khi phải chấp nhận nhượng bộ cơ quan quan trọng là Bộ Tài chính cho đối tác liên minh. Hiện tại, nhiều người dự đoán thị trưởng thành phố cảng Hamburg Olaf Scholz sẽ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính, thay thế cho gương mặt đại diện chính sách “thắt lưng buộc bụng” Wolfgang Schäuble.

Sự thay đổi này có thể định hướng tương lai của Khu vực đồng Euro (Eurozone) bởi Bộ trưởng Tài chính Đức vốn có tiếng nói quyết định đối với kinh tế khu vực. Với chính sách “thắt lưng buộc bụng”, ông Schäuble đã góp phần giúp tình hình tài chính Đức vững mạnh và ngăn cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng. Tuy nhiên, ông cũng bị xem là “hà khắc” trong việc xử lý vấn đề nợ công của các nước khu vực như Hy Lạp. Do vậy, việc vắng bóng ông Schäuble được cho sẽ giúp tình hình tài chính Đức cũng như châu Âu trở nên “thoáng” hơn – yếu tố quan trọng đối với cuộc cải tổ Liên minh châu Âu do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất và được bà Merkel ủng hộ.

Vì lẽ này, giới quan sát cho rằng quan ngại của nhiều người Đức về việc lập chính phủ liên minh không nhất thiết là “tin xấu” với châu Âu vốn phụ thuộc vào sự ổn định ở Berlin. “Một nước Đức với quan điểm bớt cứng rắn sẽ là điều cần thiết để tạo ra cảm giác về một châu Âu cân bằng hơn” - theo Giám đốc văn phòng Berlin của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu Mark Leonard.

MAI QUYÊN (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết