Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin vừa rồi đã khiến châu Âu lo ngại về một “thỏa thuận bẩn” nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine nhưng chứa các điều khoản có lợi cho Mát-xcơ-va và không có sự tham gia của Kiev.
![Châu Âu lo ngại một “thỏa thuận bẩn” về Ukraine](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250214/images/T16-a1.webp)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth (trái) và Tổng Thư ký NATO Mark Rutte tại Brussels, Bỉ ngày 13-2. Ảnh: AP
Ngày 12-2, ông Trump đã tiết lộ về cuộc gọi “kéo dài và rất hiệu quả” với ông Putin và sau đó còn thông báo rằng các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu ngay lập tức nhằm tìm kiếm thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 13-2 cho biết nước này sẽ không chấp nhận một thỏa thuận hòa bình mà chỉ có Mỹ và Nga tham gia đàm phán. Nhà lãnh đạo này không hài lòng khi ông Trump điện đàm với ông Putin trước khi nhấc máy gọi cho Kiev trong cùng ngày.
Động thái đó làm dấy lên hoài nghi đối với chính sách “không có giải pháp nào về Ukraine nếu thiếu vắng Ukraine” mà phương Tây đã theo đuổi trong hơn 3 năm xung đột. Chưa hết, khi được một phóng viên hỏi rằng liệu ông có coi Ukraine là đối tác bình đẳng trong các cuộc hòa đàm hay không, chủ nhân Nhà Trắng chỉ trả lời rằng “đó là một câu hỏi thú vị”.
Kaja Kallas, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), đã cảnh báo về một “giải pháp nhanh chóng” và một “thỏa thuận bẩn” để chấm dứt chiến tranh. Bà nhấn mạnh châu Âu và Ukraine phải tham gia đàm phán vì không có thỏa thuận hòa bình nào có thể thực hiện được nếu gạt họ sang một bên. Quan chức EU tuyên bố Ukraine sẽ tiếp tục phản kháng và châu Âu vẫn sẽ ủng hộ Kiev. Quan điểm lâu nay của châu Âu là “không có giải pháp nào về Ukraine nếu không có Ukraine”, nhưng giờ đây vế sau có thể được mở rộng thành “… nếu không có Ukraine và châu Âu”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Dovile Sakaliene lưu ý rằng năm ngoái châu Âu đã viện trợ cho Ukraine 125 tỉ USD và Mỹ cung cấp 88 tỉ USD, do vậy châu lục này phải giành được một ghế tại bàn đàm phán.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết một trong những lý do họ cần tham gia các cuộc đàm phán là vì Washington đã nêu rõ kỳ vọng rằng châu Âu sẽ cung cấp các bảo đảm an ninh cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, tức binh sĩ châu Âu có thể sẽ được triển khai tới Ukraine.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã nêu rõ với các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng chính quân đội của châu Âu và các nước khác, chứ không phải quân đội Mỹ, sẽ là bên giám sát bất kỳ thỏa thuận nào giữa Nga và Ukraine.
Nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết các ngoại trưởng đã nhất trí tiến hành một “cuộc đối thoại thẳng thắn và đầy yêu cầu” với các quan chức Mỹ tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức. Hội nghị này khai mạc vào ngày 14-2 và kéo dài 3 ngày.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cho biết Washington có thể áp lệnh trừng phạt đối với Mát-xcơ-va và thậm chí hành động quân sự nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin không đồng ý về một thỏa thuận hòa bình với Ukraine, qua đó đảm bảo nền độc lập lâu dài của Kiev. Ông Vance đưa ra cảnh báo này trong cuộc phỏng vấn với Nhật báo Phố Wall ngày 13-2.
|
Trong khi các quốc gia trên khắp châu Âu đã tăng chi tiêu quân sự kể từ năm 2022, cung cấp vũ khí và huấn luyện cho lính Ukraine, họ vẫn còn lâu mới tự cung tự cấp về mặt quốc phòng. Thay vào đó, các quốc gia này dựa vào sự hỗ trợ từ quân đội Mỹ.
Thông qua đóng góp cho NATO, Mỹ trở thành một trụ cột quan trọng của an ninh châu Âu trong 7 thập niên qua. Ngân sách quốc phòng của các thành viên châu Âu là 442 tỉ USD, chiếm chưa đến 1/3 tổng ngân sách 1.440 tỉ USD của NATO. Trong khi đó, ngân sách quốc phòng của Mỹ lên tới 967 tỉ USD, chiếm 2/3.
Điều này khiến châu Âu có ít “đòn bẩy” để chống lại các quyết sách của Washington.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Litva Sakaliene, châu Âu phải đối mặt với 2 lựa chọn rất rõ ràng. “Hoặc là chúng ta tin rằng ông Trump và ông Putin sẽ tìm ra giải pháp cho tất cả và đó có thể là một cái bẫy chết người, hoặc châu Âu sẽ nắm lấy năng lực kinh tế, tài chính và quân sự của mình”, bà Sakaliene nói.
Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng ngày 13-2, Tổng thống Trump khẳng định Ukraine sẽ tham gia cuộc đàm phán hòa bình với Nga về chấm dứt xung đột. Ông Trump nói: “Ukraine là một phần của cuộc đàm phán. Chúng ta sẽ có Ukraine, Nga và rất nhiều bên khác cùng tham gia”.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)