02/06/2023 - 20:51

Châu Á trước nguy cơ thiếu lương thực 

MAI QUYÊN (Theo SCMP)

Các nhà chuyên môn cảnh báo, châu Á phải nắm bắt công nghệ và sớm hành động nếu muốn giảm thiểu những rủi ro khó lường do mất an ninh lương thực.

Một dòng sông khô cạn ở bang Rajasthan của Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

Châu Á đang trải qua năm thứ 2 liên tiếp hứng chịu các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, phản ánh thực tế biến đổi khí hậu đang diễn ra với mức độ gây tổn thương ngày càng tăng ở khu vực này. Ðây là tin xấu đối với tất cả mọi người, đặc biệt làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực khi ảnh hưởng tới 450 triệu nông dân sản xuất nhỏ nhưng cung cấp hơn 80% lượng thực phẩm cho châu Á - Thái Bình Dương.

Theo dự báo, châu Á đến năm 2030 sẽ là nơi có dân số thuộc tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới với mức chi tiêu cho thực phẩm dự kiến đạt hơn 8.000 tỉ USD. Tuy nhiên, trong viễn cảnh ảm đạm, Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết năng suất các loại cây trồng cần tưới tiêu như lúa gạo, lúa mì, bắp và đậu nành có thể giảm từ 20 đến 40% vào năm 2050. Riêng với “vựa lúa” Ðông Nam Á, các mô hình khoa học cảnh báo nhiều nước khu vực này có khả năng hoán đổi vai trò từ nhà xuất khẩu lương thực lớn sang nhập khẩu do khan hiếm nước.

Giải pháp cho ngành nông nghiệp

Tại Ấn Ðộ, biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ tăng cao và lượng mưa giảm mạnh trong những năm gần đây đã gây ra tình trạng hạn hán liên tiếp, làm ảnh hưởng mùa màng ở nhiều bang. Hồi tháng rồi, một nông dân ở miền Nam nước này đã tự kết liễu đời mình khi mắc kẹt trong các khoản vay do mất mùa nghiêm trọng. Ðây không phải vấn đề mới bởi theo số liệu của Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED), gần 11.000 nông dân Ấn Ðộ đã tự sát vào năm 2021, tương đương mức trung bình khoảng 30 vụ/ngày.

Trước thực trạng đó, Chính phủ Ấn Ðộ đã có một số chương trình hỗ trợ dành cho nông dân, bao gồm bảo hiểm mùa màng và chương trình đảm bảo việc làm nông thôn. Các nhóm môi trường cũng trang bị cho nhiều cộng đồng nông nghiệp thông tin thời tiết và cảnh báo qua tin nhắn văn bản, cũng như cung cấp hạt giống có khả năng phục hồi để canh tác.

Trong khi đó tại Indonesia, những người trồng cà phê đã hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu nhằm làm giảm tác động của hóa chất lên đất nông nghiệp. Còn ở Thái Lan, nhiều nhà nông bắt đầu theo đuổi mô hình nông nghiệp chính xác khi triển khai thiết bị không người lái để phun thuốc trừ sâu trên ruộng lúa, đảm bảo quy tắc làm đúng, đúng nơi, vào đúng thời điểm. Ở những nơi khác, nông dân chủ động mở rộng diện tích canh tác những giống lúa, bắp cùng các loại cây trồng chịu hạn khác nhằm tăng cường “tuyến phòng thủ”
bổ sung.

Còn nhiều thách thức

Theo Ravi Khetarpal, Thư ký điều hành Hiệp hội các viện nghiên cứu nông nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (APAARI), tiềm năng của công nghệ kỹ thuật số chỉ được thể hiện đầy đủ khi các chính phủ hợp tác với nhau trong những vấn đề như chia sẻ nguồn nước, khuyến khích nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng ít sử dụng tài nguyên và hỗ trợ khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Nhưng khó khăn hiện nay là các kỹ thuật tiên tiến hầu như nằm ngoài tầm với của nông dân nhỏ sở hữu đất canh tác dưới 2 héc-ta. Ðây là lực lượng chiếm số đông, nhưng chẳng mấy ai thực sự quan tâm đến họ.

Trong bối cảnh này, APAARI thông qua các dự án hợp tác với Bộ Nông nghiệp Mỹ cùng Cơ quan Phát triển Thương mại và Tiêu chuẩn, tiến tới việc xây dựng các nền tảng đa bên ở châu Á. Mục tiêu là thiết lập các quy định về thuốc trừ sâu sinh học đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại Thế giới mà nông dân có thể sử dụng, giúp tăng sản lượng nông nghiệp một cách bền vững và đảm bảo an ninh lương thực.

Chia sẻ bài viết