25/03/2024 - 18:33

Chăm sóc răng miệng đúng cách để giảm bệnh lý liên quan 

Kết quả của nhiều nghiên cứu từ cộng đồng cho thấy, khoảng 80-90% dân số mắc các bệnh lý về răng miệng. Trong khi đó, sức khỏe răng miệng có liên quan trực tiếp đến sức khỏe tổng trạng của cơ thể, thậm chí có thể di truyền cho thế hệ sau. Các bác sĩ nha khoa khuyến cáo, mọi người hãy nâng cao hiểu biết và tăng cường thực hành chăm sóc răng miệng đúng cách; đồng thời, định kỳ thăm khám với nha sĩ để dự phòng và điều trị kịp thời các bệnh về răng miệng.

Sức khỏe răng miệng - sức khỏe toàn thân

Lần gặp nha sĩ để thăm khám răng gần nhất của chị Xuân Nhi (32 tuổi, ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cách nay 5 năm. Khi đó, chị làm nhân viên kế toán, chưa lập gia đình, còn dành nhiều thời gian chăm sóc sức khỏe bản thân. Chị cho biết, từ khi có chồng, sinh con, chị dần lơ là sức khỏe. Mấy năm qua, răng của chị Nhi đã bị sâu 4-5 chiếc nhưng vì không gây đau nhức nên chị cũng không đến nha sĩ kiểm tra.

Bác sĩ đọc phim X-quang chẩn đoán răng lệch tiên lượng mức độ khó khi nhổ răng.

TS.BS Đỗ Thị Thảo, Phó trưởng Khoa Răng Hàm Mặt Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết, cứ 10 người có đến 8-9 người gặp phải các vấn đề về răng miệng. Người chăm sóc răng miệng không đúng cách, sau vài tháng có thể bị viêm nướu hay sâu răng. Bệnh lý răng miệng còn do cấu trúc răng lệch lạc, răng khôn bị nhồi nhét thức ăn. Phụ nữ trước khi mang thai không chủ động chăm sóc, điều trị các bệnh răng miệng có thể gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến thai kỳ và bào thai. Bởi lẽ, thai phụ thường ăn nhiều nhưng do ốm nghén nên mệt mỏi, lơ là chải răng, dẫn đến các bệnh viêm nướu, sâu răng, hình thành u nướu thai nghén. Trường hợp thai phụ đau nhức răng, cần điều trị hoặc nhổ răng, có nhiều nguy cơ cho em bé.

Nhiều nghiên cứu ghi nhận bệnh lý về mô nướu ở thai phụ ảnh hưởng tới thai nhi, khiến trẻ sinh non, nhẹ cân. Ngoài ra, bệnh về răng miệng cũng gây nhiều bệnh khác. Người bị thiếu răng có thể hình thành nang hoặc u trong xương. Bệnh răng miệng cũng liên quan tới bệnh lý tim mạch. Người bệnh đái tháo đường mắc bệnh răng miệng cũng ảnh hưởng đến diễn tiến, các biến chứng và hiệu quả điều trị bệnh. Các bệnh răng miệng còn gây nên các vấn đề về tâm lý và thẩm mỹ của bệnh nhân. Nhiều trường hợp mất răng sử dụng răng hàm giả, bất tiện trong ăn uống và mặc cảm trong giao tiếp.

Chăm sóc, dự phòng các bệnh răng miệng ít tốn kém chi phí hơn điều trị. Theo đó, chuyên gia nha khoa khuyến cáo mọi người quan tâm chăm sóc, vệ sinh răng hằng ngày, chải răng ngay sau ăn, trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy; chải răng đúng cách. Bên cạnh đó, thường xuyên khám sức khỏe răng miệng, từ 6 tháng đến 1 năm/ lần.

Nhu cầu chăm sóc răng miệng ngày càng cao

Định kỳ tháng 3 hằng năm, nhân Ngày Quốc tế răng miệng 20-3, Khoa Răng Hàm Mặt, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức chương trình khám và điều trị các bệnh răng miệng miễn phí. Chương trình năm nay thăm khám cho gần 200 người đang sinh sống trên địa bàn thành phố và sinh viên của Trường, kể cả sinh viên người nước ngoài và học sinh của trường khuyết tật.

Theo ThS.BS Trương Lê Thu Nhạn, Phụ trách Bộ môn Nha cơ sở - nha công cộng, Khoa Răng Hàm Mặt, người tham gia chương trình được miễn phí thăm khám răng và điều trị cạo vôi, trám răng, nhổ răng sâu hay lắp hàm giả. Tùy từng trường hợp và mức độ bệnh, các bác sĩ xem xét điều trị trong ngày hoặc hẹn tái khám những lần sau. Cùng với hoạt động tại Trường, mỗi năm Khoa Răng Hàm Mặt phối hợp nhiều đơn vị, tổ chức khoảng 6-7 đợt thăm khám răng miệng miễn phí cho cộng đồng.

ThS.BS Trương Lê Thu Nhạn cho biết, các chương trình ghi nhận chỉ số sâu răng - mất răng - trám răng trong cộng đồng hiện rất cao. Đáng tiếc là các chương trình tầm soát với sự phối hợp giữa Khoa Răng Hàm Mặt và các đơn vị y tế, trường học địa phương chưa được duy trì để giám sát và nâng cao hiệu quả trong việc ngăn ngừa, đẩy lùi bệnh răng miệng. Tín hiệu vui từ các chương trình là sự thay đổi về nhận thức của cộng đồng đối với sức khỏe răng miệng. Trước đây, răng thường được đề cập đến chức năng ăn nhai thì nay nhiều người quan tâm hơn đến việc phòng ngừa, bảo vệ răng cũng như chỉnh hình, làm đẹp răng.

Người dân ở đô thị, các thành phố lớn dễ tiếp cận các cơ sở nha khoa cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị bệnh lý răng miệng chuyên nghiệp, chất lượng hơn so với nông thôn. TS Đỗ Thị Thảo, Phó trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, ghi nhận lượng sinh viên chuyên khoa răng hàm mặt gia tăng hằng năm, tuy nhiên các bác sĩ trẻ ra trường thường đầu quân cho đơn vị y tế tư nhân. Hệ thống y tế công lập tuyến cơ sở vùng ĐBSCL còn hạn chế nhân lực và điều kiện hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực này, ảnh hưởng đến nhu cầu của cộng đồng.

Khoa Răng Hàm Mặt, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, được thành lập từ năm 1993. Đến nay, đa số cán bộ của Khoa có trình độ thạc sĩ, nhiều giảng viên được đào tạo ở nước ngoài. Mỗi năm, Khoa đào tạo mỗi khóa khoảng 150-200 sinh viên. Trong quá trình học tập, các nha sĩ tương lai được tham gia thực tập tại các BV trên địa bàn thành phố và nhiều tỉnh trong khu vực. Từ đó, sinh viên nha khoa được làm quen với môi trường làm việc thực tế và các mặt bệnh chuyên ngành đa dạng tại cộng đồng. Bên cạnh đó, Khoa đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trao đổi giáo dục, giúp đội ngũ cán bộ và sinh viên có cơ hội cập nhật xu hướng mới và kinh nghiệm trong lĩnh vực nha khoa.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết