Tỉnh Kiên Giang thực hiện tốt việc chăm lo giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), qua đó góp phần nâng cao dân trí, đạo tào nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Kiên Giang trong giờ học môn Ngữ văn.
Yên tâm vào năm học mới
Cuối tháng 8-2024, 212 học sinh mồ côi, trong đó nhiều em dân tộc Khmer ở xã Phong Ðông, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, nhận học bổng do Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thuận phối hợp Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Kiên Giang trao tặng. Mỗi em được nhận suất học bổng trị giá 800.000 đồng và 10 quyển tập. Cũng dịp này, Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thuận vận động trao thẻ bảo hiểm y tế cho 212 học sinh nhận học bổng. Em Danh Ðức, học sinh lớp 8, ở xã Phong Ðông, xúc động nói: “Có học bổng, em mua dụng cụ học tập, đỡ gánh nặng cho cha mẹ. Em sẽ có gắng học tập, sau này có ích cho xã hội, không phụ lòng các bác, các chú đã giúp đỡ”.
Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thuận Nguyễn Văn Thân cho biết các suất học bổng là sự động viên, cổ vũ tinh thần các học sinh mồ côi, hoàn cảnh khó khăn, con em đồng bào DTTS trước thềm năm học mới, từ đó giúp các em có thêm niềm tin, nghị lực hoàn thành tốt việc học tập.
Năm học 2024-2025, em Danh Trọng bước vào học lớp 8, Trường THPT dân tộc nội trú, THCS Châu Thành, huyện Châu Thành. Cha làm phụ hồ, mẹ làm việc trong công ty thủy sản, thu nhập hằng tháng chỉ đủ sinh hoạt, lo cho Trọng đi học và tiền thuốc cho ông nội Trọng đã trên 80 tuổi. Ý thức hoàn cảnh gia đình khó khăn, Trọng luôn nỗ lực học tập và học giỏi đều tất cả các môn với điểm trung bình môn luôn trên 8. “Ðược các bác, các chú hỗ trợ, em sẽ cố gắng học tập để thực hiện ước mơ làm bác sĩ, sau này giúp ích cho gia đình và xã hội” - Danh Trọng bộc bạch.
Cùng thời gian này, chùa Thứ Năm, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, tổ chức bế giảng lớp học ngữ văn Khmer hè cho 71 học sinh dân tộc Khmer. Sau 2 tháng hè năm 2024, các em từ lớp 1 đến lớp 3 đã được 3 giáo viên giảng dạy, truyền đạt để biết đọc, biết viết ngôn ngữ Khmer. Theo Thượng tọa Danh Nâng, Trụ trì chùa Thứ Năm, việc mở lớp học ngữ văn Khmer dịp hè là hoạt động được chùa duy trì liên tục từ năm 1980 đến nay, thu hút rất đông con em đồng bào dân tộc Khmer tham gia học tập. Qua đó góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời củng cố kiến thức để con em đồng bào dân tộc Khmer không bỡ ngỡ khi bước vào năm học mới.
Nâng cao chất lượng dạy và học
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Kiên Giang Thiều Văn Nam cho biết toàn tỉnh hiện có 595 trường mầm non, phổ thông công lập. Năm học 2024-2025, tỉnh đầu tư trên 158,2 tỉ đồng xây dựng bổ sung phòng học lý thuyết, phòng học bộ môn, nhà đa năng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, sửa chữa phòng học hiện hữu, ký túc xá, đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy… tại 7 trường học trực thuộc Sở; đầu tư, sửa chữa một số trường học, ký túc xá học sinh nội trú của Trường THPT Dân tộc nội trú, THCS Châu Thành. Tỉnh cũng huy động và tranh thủ các nguồn lực ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học vùng đồng bào DTTS ở các huyện Giang Thành, Gò Quao, Châu Thành và các trường phổ thông dân tộc nội trú Giồng Riềng, An Biên, Châu Thành, Gò Quao, Hà Tiên.
“Ngành sẽ rà soát, sắp xếp hệ thống trường, lớp hợp lý; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đảm bảo quyền lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho người học. Chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo; ưu tiên bố trí, sắp xếp cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cho các cơ sở giáo dục vùng DTTS, các trường phổ thông dân tộc nội trú” - ông Thiều Văn Nam cho biết.
Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú, trong đó có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú THPT có 12 lớp (quy mô 420 học sinh) và 5 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS có 40 lớp (8 lớp/trường). Tỉnh có 1 trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Ðạt, hằng năm có hơn 50 học sinh DTTS trúng tuyển. Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Kiên Giang, việc đầu tư cơ sở vật chất vùng đồng bào DTTS được tỉnh quan tâm nhiều năm qua, góp phần nâng chất lượng dạy và học. Tỷ lệ học sinh DTTS tốt nghiệp THPT duy trì ổn định từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024 là 100%. Bên cạnh đó, quy mô, chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ngày một tăng. Tỉnh hiện có 31 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào đạt 70,59%.
Tỉnh Kiên Giang cũng áp dụng kịp thời chi hỗ trợ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các trường vùng DTTS, công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ðối với người học, tỉnh và ngành giáo dục thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em; miễn, giảm học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông công lập; hỗ trợ chi phí học tập và gạo cho học sinh…
Bài, ảnh: LÊ VINH