 |
Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đau đầu vì sức ép từ chức. Ảnh: AP |
Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi hôm 13-11 tuyên bố, ông sẽ chấp thuận đặt chính phủ của ông vào một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, để xem liệu liên minh trung hữu cầm quyền vốn đã suy yếu của ông có còn nhận được sự ủng hộ cần thiết ở Quốc hội để tiếp tục lãnh đạo đất nước hay không. Tuyên bố này được đưa ra sau khi phe đối lập trung tả trước đó một ngày kêu gọi Quốc hội Ý bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại chính phủ của Thủ tướng Berlusconi, vốn đang bên bờ vực sụp đổ sau khi 4 thành viên trong nội các của ông tuyên bố sẽ “rũ áo ra đi” trong ngày hôm nay 15-11.
Ấy vậy mà ông Berlusconi vẫn “nói cứng” rằng ông “sẽ đồng ý” cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, nhưng kế hoạch ngân sách sửa đổi năm 2011 của chính phủ phải được Quốc hội Ý thông qua trước, nhằm “ổn định nền kinh tế trong bối cảnh hỗn loạn của thị trường tài chính”. Hơn nữa, ông còn yêu cầu Quốc hội Ý nếu có tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của ông thì cũng phải làm tuần tự, “ở Thượng viện trước, rồi mới tới Hạ viện”. Trong khi đó, cuộc tranh luận về kế hoạch ngân sách sửa đổi năm 2011 thì phải đợi tới thứ năm tuần này mới bắt đầu, chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian mới có thể được thông qua. Trang thông tin điện tử của kênh truyền hình DW của Đức dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng động thái này của Thủ tướng Berlusconi là nhằm “câu giờ” để tìm cách “chiếm lại thế thượng phong” trên chính trường Ý.
Như đã đề cập ở trên, động thái nhằm kéo dài thời gian của Thủ tướng Berlusconi chỉ được đưa ra sau khi phe đối lập đẩy mạnh kế hoạch tìm kiếm một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống chính phủ của ông. Cuộc bỏ phiếu này dù vẫn chưa định được ngày nhưng đã được lãnh đạo đảng Dân chủ (DP) Dario Franceschini trình lên Quốc hội Ý hôm 12-11. Đề nghị này đã nhận được sự ủng hộ của phái “Nước Ý của những giá trị” (IDV) chủ trương chống tham nhũng.
Thủ tướng Berlusconi rõ ràng đang ở vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, đặc biệt là trong tình thế có tới 4 thành viên trong chính phủ của ông cùng lúc quyết định từ chức. Đây là những nhân vật trung thành với Chủ tịch Hạ viện Gianfranco Fini, người từng “kề vai sát cánh” với Thủ tướng Berlusconi lập nên đảng Nhân dân Tự do (PDL) năm 2008. Sau khi rút khỏi PDL hồi tháng 7 năm nay, ông Fini lập đảng riêng có tên gọi là “Tương lai và Tự do cho nước Ý” (FLI), cũng theo đường lối trung hữu, quy tụ những người ủng hộ ông và cả những người bất mãn vai trò cầm quyền của Thủ tướng Berlusconi để tạo nên thế đa số đảm bảo tại Hạ viện.
Tuy nhiên, ở Thượng viện Ý, phe cánh của Thủ tướng Berlusconi vẫn còn rất mạnh. Vì thế, các nhà phân tích cho rằng bằng cách đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm ở Thượng viện, Thủ tướng Berlusconi hy vọng có thể chiếm ưu thế trước và làm cho kế hoạch hạ bệ ông ở Hạ viện trở nên khó khăn hơn. Trong trường hợp kết quả cuộc bỏ phiếu khác nhau ở hai viện Quốc hội Ý buộc phải tiến hành một cuộc bầu cử trước thời hạn, ông Berlusconi cũng tự tin rằng phe cánh của ông sẽ tiếp tục giành thắng lợi, dù các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy uy tín cá nhân ông giảm sút nghiêm trọng sau một loạt cáo buộc tham nhũng và xì-căng-đan tình ái lăng nhăng.
Có thể nói, như nhận định của Rachel Donadio trong bài viết đăng trên Thời báo New York số ra ngày 12-11 vừa qua, kể từ lần đầu tiên được bầu làm Thủ tướng năm 1994 đến nay, ông Berlusconi đã “thống trị” đời sống xã hội Ý, am tường mọi ngỏ ngách của nền chính trị Ý, gây dựng được “đế chế truyền thông” có thể chi phối dư luận trong nước. Nhiệm kỳ hiện tại là nhiệm kỳ thứ ba của ông Berlusconi, năm nay đã 74 tuổi. Nhiệm kỳ này đến năm 2013 mới kết thúc.
Tuy nhiên, sức ép đòi ông Berlusconi từ chức vẫn tiếp tục gia tăng, dẫn đến những cuộc biểu tình trên đường phố Ý. Làn sóng ấy dâng cao đến độ người biểu tình tổ chức hẵn hai ngày “Không Berlusconi”, một đã diễn ra hồi cuối năm rồi và một mới còn nóng hổi hồi tháng 10 năm nay.
Liệu cái gọi là “Thời đại Berlusconi”, theo cách nói của Rachel Donadio, sắp kết thúc?
NHẬT QUANG
(Theo DW, AFP, NYTimes và Reuters)