11/10/2011 - 08:23

"Cặp đối tác vô song"

Thủ tướng Nga Vladimir Putin hôm nay sẽ dẫn đầu phái đoàn hùng hậu 160 người sang thăm Trung Quốc hai ngày theo lời mời của người đồng nhiệm nước chủ nhà Ôn Gia Bảo. Đây được coi là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Putin quyết định sẽ ra tranh cử tổng thống vào năm tới, nên thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế về bước phát triển mới trong mối quan hệ Nga-Trung, mối quan hệ mà ông Putin từng tuyên bố là “cặp đối tác chiến lược có một không hai”.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Mát-xcơ-va và Bắc Kinh vừa đồng lòng bỏ phiếu chống lại dự thảo nghị quyết về Syrie của Hội đồng Bảo an LHQ do châu Âu đệ trình được Mỹ hậu thuẫn. Theo hãng tin Anh Reuters, động thái này của Nga và Trung Quốc đã làm phật lòng Mỹ và đồng minh châu Âu, nhưng cho thấy “sự gần nhau về quan điểm” giữa Nga và Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế có liên quan tới lợi ích chiến lược của hai nước này. Điều đó cũng dễ thấy khi Nga và Trung Quốc cùng bỏ phiếu trắng hồi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết về áp đặt vùng cấm bay chống Libye, vốn cũng do Mỹ và đồng minh châu Âu soạn thảo nhằm mở đường cho các cuộc không kích tiến tới lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi.

Ngay cả trong quan hệ song phương, sự tăng cường buôn bán giữa hai nhà sản xuất và tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới này cũng gây quan ngại cho châu Âu. Nga muốn tăng cường cung cấp khí đốt cho Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác nhằm đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh nền kinh tế châu Âu đang lâm vào trì trệ. Khí đốt cũng là một loại “vũ khí” mà Nga có thể sử dụng trong quan hệ với cựu lục địa. Hiện nay, Nga bán cho Trung Quốc hơn 30 tỉ mét khối khí đốt/năm và sẵn sàng nâng lên 68 tỉ mét khối khí đốt/năm.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga hồi năm ngoái. Trong 6 tháng đầu năm nay, dù nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng tài chính trên quy mô toàn cầu, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn đạt 35,9 tỉ USD, tăng tới 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái, và dự kiến cả năm sẽ đạt hơn 70 tỉ USD. Hai bên cũng đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỉ USD vào năm 2015 và 200 tỉ USD vào cuối thập niên này.

Thế và lực của Nga và Trung Quốc trên trường quốc tế rõ ràng ngày càng được củng cố. Hy vọng rằng như Đại sứ Trung Quốc tại Nga Li Hui tuyên bố: “Sự hợp tác chiến lược gần gũi hơn trong các vấn đề quốc tế giữa Nga và Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng không chỉ phục vụ lợi ích cốt lõi của hai nước, mà còn góp phần tạo nên một thế giới đa cực, một trật tự quốc tế mới cân bằng hơn”.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết