22/09/2013 - 19:43

Cao điểm dịch đau mắt đỏ

Theo ghi nhận của Bệnh viện (BV) Mắt - Răng Hàm Mặt (RHM) TP Cần Thơ, hàng ngày, BV tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đau mắt đỏ. Từ đầu tháng 9 đến nay, lượng bệnh nhân tăng dần, đến giữa tháng 9 thì bước vào cao điểm dịch. Bác sĩ Chuyên khoa II Mai Hoàng Trí, Trưởng khoa khám, BV Mắt- RHM TP Cần Thơ, lưu ý, bệnh đau mắt đỏ cần được điều trị kịp thời, đúng cách; đặc biệt, người bệnh cần tránh tiếp xúc với nhiều người, hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Trong thời gian này, Bệnh viện Mắt - RHM đông nghịt bệnh nhân chờ đến lượt khám, trong đó phần lớn là bệnh nhân đau mắt đỏ. Chị Trần Thị Ngọc Mai (ở quận Ô Môn) đau mắt đỏ gần một tuần nay. Ban đầu, mắt chị có cảm giác cộm, xốn, hôm sau mắt tiết nhiều ghèn, rất khó chịu. Chị đã nhỏ dung dịch nước muối sinh lý nhưng không hết bệnh nên đến khám tại BV Mắt- RHM TP Cần Thơ. Bác sĩ nhắc chị cần uống thuốc và nhỏ thuốc vào mắt theo đúng chỉ dẫn, để mau khỏi bệnh. Còn theo bạn Nguyễn Kiều Nương (ở quận Ninh Kiều), gia đình bạn có 4 người mắc bệnh này. Trước đó, em trai Kiều bị một bạn trong lớp lây bệnh; em trai không cách ly và giữ vệ sinh đúng cách nên bệnh đã lây lan trong gia đình.

Bác sĩ Mai Hoàng Trí, Trưởng Khoa Khám, BV Mắt - RHM đang tư vấn cho bệnh nhân mắt.

Bác sĩ Chuyên khoa II Mai Hoàng Trí cho biết: "Bệnh đau mắt đỏ do Adenovirus gây ra, lây lan rất nhanh, với các biểu hiện như: mắt đỏ, mắt tiết nhiều ghèn,… khiến bệnh nhân có cảm giác cộm, xốn ở mắt. Khi mắc bệnh này, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám. Bản thân tác nhân gây bệnh là do virus nên việc điều trị cho bệnh nhân đau mắt đỏ chủ yếu là điều trị nâng đỡ và dự phòng. Để tránh lây lan phải điều trị đúng cách, tránh tiếp xúc mầm bệnh. Điều trị tại mắt giúp giảm các triệu chứng khó chịu như: dùng nước mắt nhân tạo hoặc các kháng sinh ngừa bội nhiễm. Việc lạm dụng corticoid có thể đưa đến biến chứng sớm và nặng như viêm giác mạc, loét giác mạc. Ngược lại, nếu để tình trạng bệnh trầm trọng, điều trị muộn, không đúng cách, có thể gây mù lòa. Trong thực tế, một bộ phận người dân khi mắc bệnh đau mắt đỏ, tự tiện mua thuốc nhỏ mắt, dẫn đến gây hại sức khỏe mắt.

Thời điểm giao mùa là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát tán qua dịch tiết của mắt hoặc nước bọt, nhất là trong điều kiện vệ sinh kém hoặc môi trường sinh hoạt tù kín. Khi mầm bệnh phát tán, bệnh đau mắt đỏ lây lan rất nhanh trên phạm vi rộng, nếu không có biện pháp cách ly phù hợp. Do đó, bệnh đau mắt đỏ gia tăng trong thời điểm giao mùa. Thông thường, bệnh có thể xảy ra quanh năm với tỷ lệ mắc bệnh thấp. Bác sĩ Mai Hoàng Trí cho biết, ngày thường, phòng khám tiếp nhận khoảng 20-30 bệnh nhân đau mắt đỏ. Từ đầu tháng 9 đến nay, lượng bệnh nhân đau mắt đỏ tăng dần. Đến nay, BV tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân/ngày. Để đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh này trong cao điểm mùa dịch, BV Mắt - RHM triển khai thêm hai bàn khám bệnh, để cán bộ y tế có thời gian tư vấn cho bệnh nhân cách điều trị và phòng tránh bệnh lây lan. Bác sĩ Trí lưu ý, do tác nhân gây bệnh là virus nên việc phòng tránh rất quan trọng, bao gồm tránh tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân đau mắt đỏ ở cự ly gần và môi trường sống cần thông thoáng, không tù kín. Do bệnh lây qua dịch tiết của mắt, nước bọt, nên môi trường tù kín sẽ làm gia tăng tỷ lệ lây lan. Một thành viên mắc bệnh có thể lây bệnh cả gia đình, hoặc một bạn trong lớp mắc bệnh có thể lây bệnh cho nhiều bạn cùng lớp.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng; ăn trái cây chứa nhiều vitamin C, đảm bảo vệ sinh mắt, giải quyết ghèn tại mắt sạch sẽ. BV Mắt - RHM ghi nhận một số bệnh nhân điều trị không đúng cách như: đắp lá cây, bôi hóa chất không rõ loại, nguồn gốc lên mắt, dẫn đến biến chứng nặng nề cho mắt, kéo dài thời gian và tốn kém chi phí điều trị, ảnh hưởng thị lực bệnh nhân.

Bác sĩ Mai Hoàng Trí khuyến cáo, bệnh nhân đau mắt đỏ cần tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa, giữ vệ sinh kỹ, không để xảy ra biến chứng, bệnh sẽ khỏi trong vòng từ một đến hai tuần. Ngoài ra, khi trẻ mắc bệnh này, cần cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan các bạn cùng lớp. Đồng thời, người thân nên hiểu biết về bệnh để có biện pháp cách ly phù hợp, tránh lây lan cho bản thân. Người bệnh có thể sử dụng kính râm, tránh tiếp xúc cự ly gần hoặc đeo khẩu trang để hạn chế lây bệnh mọi người xung quanh.

Bài, ảnh: HẢI TIẾN

 

Chia sẻ bài viết