 |
Hơn 200 người biểu tình phản đối WEF bị cảnh sát bắt giữ tại Bern (Thụy Sĩ) hôm 19-1. Xuống đường chống toàn cầu hóa là một “đặc sản” tại các kỳ WEF. Ảnh: Reuters
|
Hôm nay 23-1, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khai mạc tại Davos (Thụy Sĩ) với sự tham dự của hơn 2.500 đại biểu, trong đó có 27 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, 113 bộ trưởng và 1.370 giám đốc doanh nghiệp, cũng như nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới. Được khởi động vào năm 1971, WEF được xem là cơ hội để những nhân vật quyền lực nhất thế giới ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa... cùng ngồi lại đánh giá và dự báo tình hình thế giới. WEF năm nay kéo dài trong 5 ngày với chủ đề “Sức mạnh của sáng tạo tập thể”. Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động do những bất ổn của kinh tế Mỹ nên không lạ gì khi trọng tâm của các cuộc thảo luận tại WEF là tìm cách đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi bờ vực suy thoái.
Giá dầu cao, đồng USD tuột dốc, giá lương thực tăng vọt, thâm hụt thương mại nặng nề và xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ khiến cho bức tranh kinh tế Mỹ trở nên ảm đạm. Sự trì trệ của thị trường bất động sản suốt mấy tháng qua khiến các ngân hàng Mỹ thua lỗ hàng chục tỉ USD, buộc họ siết chặt tín dụng đối với các doanh nghiệp và khách hàng. Trong khi đó, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tục cắt giảm lãi suất. Tổng thống George Bush cũng vừa đề nghị Quốc hội chi 140 tỉ USD (tương đương 1% GDP của nước này) để cứu nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại nguy cơ suy thoái vẫn đeo bám nền kinh tế lớn nhất thế giới. Báo cáo “Những nguy cơ toàn cầu 2008” của WEF mới đây cũng cho rằng kinh tế Mỹ có thể bắt đầu suy thoái trong 12 tháng tới. Do vậy, một trong những vấn đề được các đại biểu tham dự WEF tập trung thảo luận là “Nếu kinh tế Mỹ “hắt hơi”, kinh tế thế giới có bị “cảm mạo” hay không? Liệu các nền kinh tế mới nổi có thể đứng vững trước sự trượt dốc của kinh tế Mỹ và thế giới?”.
An ninh lương thực cũng sẽ chiếm không ít thời gian của các đại biểu tham dự hội nghị năm nay. Báo cáo của WEF cho rằng an ninh lương thực sẽ trở thành vấn đề kinh tế và chính trị phức tạp trong vài năm tới. Năm 2007, giá nhiều loại thực phẩm tăng cao kỷ lục, trong khi dự trữ lương thực toàn cầu ở mức thấp nhất trong 25 năm qua. Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế ước tính sản lượng lương thực thế giới sẽ giảm 16% vào năm 2020, dẫn đến giá lương thực chỉ có lên mà không xuống.
Bên cạnh vấn đề kinh tế thế giới và an ninh lương thực, WEF năm nay cũng thảo luận những vấn đề có tính toàn cầu khác như tiến trình hòa bình Trung Đông, sự biến đổi khí hậu...
N.MINH (Theo AP, AFP, Reuters)