19/01/2011 - 08:23

Canh bạc của Barak

Sự ổn định của chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và viễn cảnh nối lại tiến trình hòa bình với Palestine đang bị đe dọa, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak (ảnh) tuyên bố rời Công đảng trung tả, một trong 3 đối tác liên minh cầm quyền, để thành lập đảng mới trung lập hơn với tên gọi là đảng Độc lập. Mặc dù lôi kéo được 4 nghị sĩ khác của Công đảng, đảng mới của ông Barak vẫn sẽ nằm trong liên minh cầm quyền, nhưng động thái này khiến Thủ tướng Netanyahu phụ thuộc nhiều hơn vào các đối tác liên minh trong tiến trình hòa bình với Palestine.

Việc Công đảng chia tách là động thái không có gì bất ngờ. Vài tháng trước, các nghị sĩ đảng này đã cho thấy sự mất kiên nhẫn vì tiến trình hòa bình Trung Đông mà họ cho là “giậm chân tại chỗ”, đồng thời chỉ trích ông Barak không gây sức ép mạnh buộc Thủ tướng Netanyahu nhượng bộ Palestine. Ophir Paz-Pines, nghị sĩ phản đối đề nghị của ông Barak trong việc tham gia chính phủ của Thủ tướng Netanyahu, là người đầu tiên của Công đảng rút khỏi Quốc hội Israel vào tháng 1-2010. Bốn tháng sau đó, Yuli Tamir, nguyên là Phó Chủ tịch Quốc hội Israel, cũng thông báo từ chức. Mới đây nhất, nghị sĩ Daniel Ben-Simon thông báo rút khỏi Công đảng để trở thành nghị sĩ độc lập hồi tuần rồi.

Nổi tiếng là chiến lược gia nhìn xa trông rộng, ông Barak đã quyết định tách khỏi Công đảng trước khi ban lãnh đạo đảng này chuẩn bị ép ông rời khỏi nội các.

Thông báo ra đi của ông Barak đánh dấu bước ngoặt mới trong quá trình tái thiết (hoặc chia tách mạnh hơn) Công đảng, đảng của cố Thủ tướng Yitzhak Rabin và những người chủ trương thúc đẩy hòa bình với Palestine. Ảnh hưởng của Công đảng đã suy giảm trong thập niên qua sau khi ông Barak, trên cương vị thủ tướng, đã thất bại trong nỗ lực đàm phán hòa bình Trung Đông vào năm 2000, dẫn tới cuộc nổi dậy lần thứ hai của người Palestine. Công đảng chỉ giành được 13 trong 120 ghế Quốc hội Israel ở cuộc tổng tuyển cử năm 2009, thấp nhất kể từ khi được thành lập năm 1968, và là đảng thiên tả duy nhất trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Netanyahu.

Phản ứng trước hành động của ông Barak, 3 nghị sĩ Công đảng đều là bộ trưởng gồm Binyamin Ben-Eliezer, Isaac Herzog và Avishay Braverman đã thông báo rút khỏi chính phủ của Thủ tướng Netanyahu. Các bộ trưởng này chỉ trích ông Barak đã thất bại trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông. 5 nghị sĩ Công đảng còn lại trong Quốc hội dự kiến cũng sẽ ra đi, dù chưa thông báo chính thức.

Mất 8 nghị sĩ Công đảng sẽ làm liên minh cầm quyền của Thủ tướng Netanyahu giảm thế đa số (còn 66 ghế) trong Quốc hội Israel. Các nhà quan sát cho rằng ông Netanyahu sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các đối tác liên minh khác như đảng Yisrael Beitenu cực hữu của Ngoại trưởng Avigdor Lieberman và đảng tôn giáo Shas. Đa phần các đối tác trong liên minh phản đối nhượng bộ với Palestine, nên một thỏa thuận hòa bình, vốn đổ vỡ mùa thu năm ngoái sau khi Israel từ chối ngưng xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, càng trở nên xa vời hơn.

Một số nhà phân tích cũng cho rằng động thái của ông Barak và việc rút lui của Công đảng là dấu hiệu cho thấy các chính đảng ở Israel đã bắt đầu tự củng cố trước cuộc tổng tuyển cử mới ở Israel. Theo bà Tzippi Livni, Chủ tịch đảng Kadima đối lập, bằng cách rời Công đảng, ông Barak chắc chắn đã đặt “lá phiếu” của ông vào liên minh với Netanyahu.

N. KIỆT (Theo WSJ, THX, AFP)

Chia sẻ bài viết