08/05/2025 - 08:40

Căng thẳng với Mỹ, Canada sẽ mua vũ khí của Hàn Quốc? 

Các công ty quốc phòng Hàn Quốc như Hanwha Defense, Hyundai Heavy Industries mới đây đã đề xuất với Canada hợp đồng bán vũ khí trị giá từ 20-24 tỉ USD để hiện đại hóa lực lượng vũ trang xứ sở lá phong, qua đó có thể đưa các doanh nghiệp này trở thành đối thủ cạnh tranh nghiêm túc với các “gã khổng lồ” quốc phòng Mỹ như Lockheed Martin hay Boeing.

Tổng thống Trump đón tiếp Thủ tướng Carney tại Phòng Bầu dục hôm 6-5. Ảnh: Nytimes

Theo tờ Eurasian Times, đề xuất trên không phải là thỏa thuận một lần mà là nỗ lực chiến lược nhằm tái định hình năng lực quân sự của Canada. Nó bao gồm kế hoạch cung cấp cho lực lượng vũ trang Canada tàu ngầm KSS-III hiện đại do Hanwha Defense và Hyundai Heavy Industries phát triển, pháo tự hành K9 Thunder, xe chiến đấu bộ binh K21; kế hoạch cung cấp các gói huấn luyện toàn diện và giúp phục hồi cơ sở công nghiệp quốc phòng, qua đó báo hiệu tham vọng của Seoul trong việc xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với Ottawa.

Theo CBC News, đề xuất cũng bao gồm việc thiết lập các cơ sở bảo dưỡng và sản xuất vũ khí tại Canada, cho phép Ottawa tiếp cận đầy đủ các công nghệ phát triển vũ khí, hoàn toàn trái ngược với các hạn chế mà phía Mỹ đặt ra trước đây. CBC News dẫn các nguồn tin cho biết, Chính phủ Canada đã yêu cầu phía Hàn Quốc bàn giao chiếc tàu ngầm KSS-III đầu tiên vào năm 2035. Song, Hanwha Defense và Hyundai Heavy Industries tuyên bố sẽ bàn giao không chỉ 1 mà là 4 tàu ngầm KSS-III vào thời điểm đó.

Đề xuất trên được các công ty quốc phòng Hàn Quốc đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Canada và Mỹ đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất do căng thẳng về thuế quan cũng như mối đe dọa về việc sáp nhập Canada của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên như một cường quốc sản xuất và xuất khẩu quốc phòng. Các công ty quốc phòng hàng đầu nước này như Hanwha Defense hay Hyundai Heavy Industries đã xuất khẩu hệ thống vũ khí sang các thị trường trọng điểm như Ấn Độ, Ba Lan, Úc, Phần Lan, Na Uy, Estonia, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập.

Theo báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Hàn Quốc nằm trong số 10 quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Đáng chú ý, Chính phủ Hàn Quốc đã đặt mục tiêu trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới vào năm 2027. Năm 2023, quốc gia Đông Á này đã cung cấp công nghệ quốc phòng trị giá hơn 14 tỉ USD cho 12 nước.

Hôm 6-5, Tổng thống Trump trong cuộc gặp với Thủ tướng Canada Mark Carney ở Phòng Bầu dục của Nhà Trắng nhấn mạnh, nếu Canada đồng ý trở thành bang thứ 51 của Mỹ thì đó sẽ là một “cuộc hôn nhân tuyệt vời”. Ông chủ Nhà Trắng nói ông vẫn tin rằng Canada nên trở thành một bang của Mỹ và đưa ra nhiều điều kiện “chiêu dụ”. “Cần 2 người cho một điệu Tango đúng không? Tôi tin rằng điều này sẽ mang lại một đợt cắt giảm thuế lớn cho người dân Canada. Các bạn sẽ có quân đội miễn phí, chăm sóc y tế tốt và những thứ khác. Sẽ có rất nhiều lợi ích” - ông Trump tuyên bố.

Đáp lại, Thủ tướng Carney cho rằng nếu khai thác dưới góc độ bất động sản, sẽ có một số nơi không bao giờ được rao bán. “Tôi đã gặp các chủ sở hữu tại Canada trong nhiều tháng qua khi vận động tranh cử. Canada không phải để bán. Nó sẽ không bao giờ được bán” - ông Carney khẳng định.

Kể từ khi nhậm chức, ông Trump liên tục nhắc đến việc Mỹ sẽ sáp nhập Canada và Greenland cho dù vấp phải phản đối mạnh mẽ từ người dân và lãnh đạo của cả hai bên. Washington và Ottawa cũng đang có mâu thuẫn trong vấn đề thuế quan. Hiện tại, hầu hết hàng hóa của Canada xuất khẩu sang Mỹ phải chịu mức thuế 25% nếu chúng không tuân thủ Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada. Ngoài ra, ông Trump cũng đánh thuế 25% đối với thép, nhôm, ô tô. Canada đã đáp trả thương mại Mỹ bằng cách đánh thuế lên lượng hàng hóa trị giá 43 tỉ USD từ xứ cờ hoa, gồm rượu whisky, đồ dùng thể thao và đồ gia dụng.

Trước bối cảnh trên, Ottawa đang xem xét lại mối quan hệ quốc phòng và an ninh với Washington. Và Seoul đang muốn lấp đầy khoảng trống này. Giới chuyên gia cho rằng đối với Canada, đề xuất trên đại diện cho cơ hội tái thiết lực lượng vũ trang nước này bằng các hệ thống hiệu quả về chi phí và đã được chứng minh qua thực chiến. Còn đối với Hàn Quốc, đây là bước đệm để Seoul trở thành cường quốc quốc phòng toàn cầu.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết