16/06/2014 - 09:03

Tái cấu trúc ngành cá tra theo Nghị định 36

Cần tích cực vào cuộc

Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra (gọi tắt là Nghị định 36) vừa được ban hành trong bối cảnh ngành cá tra đang gặp rất nhiều khó khăn cần được nhanh chóng tái cấu trúc lại để có thể ổn định và phát triển bền vững. Tại Hội nghị Ban chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL và triển khai Nghị định 36 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức tại TP cần Thơ, nhiều đại biểu đã hoan nghênh sự ra đời của Nghị định 36 và mong muốn trên cơ sở các quy định pháp lý của Nghị định này, các bên có liên quan cần tích cực vào cuộc để tái cấu trúc lại ngành cá tra…

* Ngành cá tra gặp nhiều khó khăn

 Thu hoạch cá tra tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Năm 2013, ngành cá tra đã rơi vào thời kỳ đỉnh điểm khó khăn khi giá bán cá tra nguyên liệu và xuất khẩu thường xuyên ở mức ngang bằng và thấp hơn giá thành sản xuất, làm cho cả người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu đều gặp khó. 5 tháng đầu năm 2014, tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra có dấu hiệu chuyển biến tích cực khi giá cả được cải thiện nhờ diện tích và sản lượng nuôi cá được cắt giảm làm hạn chế tình trạng cung vượt cầu. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, tính đến hết tháng 5-2014, toàn vùng đã thả nuôi cá tra đạt 2.954 ha, diện tích thu hoạch 1.487 ha, với sản lượng thu hoạch hơn 335.000 tấn. So với cùng kỳ năm trước diện tích nuôi đã giảm 19%, diện tích thu hoạch giảm 13% và sản lượng giảm 19,7%. Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong những tháng đầu năm 2014, tình hình diễn biến của giá cá tra giống, cá nguyên liệu tương đối thuận lợi cho người nuôi. Từ tháng 1 đến tháng 2-2014 giá bán cá tra nguyên liệu dao động từ 22.600-23.300 đồng/kg. Nhưng từ giữa tháng 3 đến tháng 4 giá vọt lên ở mức từ 24.600-25.500 đồng/kg, trong khi cùng kỳ 2013 chỉ ở mức từ 21.700-22.000 đồng/kg. Vào tháng 5-2014, giá cá tra nguyên liệu giảm về còn khoảng 24.500 đồng/kg...

Tuy nhiên, ngành cá tra trong nước vẫn chưa thoát khỏi các khó khăn, hạn chế tồn tại vốn đã đẩy ngành cá tra bước vào giai đoạn suy yếu sau một thời gian phát triển “thần tốc”. Đáng chú ý là việc quy hoạch và quản lý quy hoạch trong phát triển ngành cá còn hạn chế và chưa quản lý chặt dẫn đến mất cân đối cung cầu khiến giá giảm và gây tác động đến môi trường. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi cá tra và đầu tư nghiên cứu khoa học nhằm thay đổi công nghệ sản xuất giống và nuôi phù hợp còn hạn chế. Doanh nghiệp và hội nuôi cá tra vẫn còn gặp khó trong tiếp cận vốn. Ngoài ra, theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), dù đã có những chuyển biến trong tổ chức sản xuất, nhưng mối liên kết trong sản xuất, cả liên kết ngang và liên kết dọc, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Đối với xuất khẩu cá tra hiện nay, có quá nhiều đầu mối nên xảy ra tình trạng chào bán phá giá lẫn nhau để giành hợp đồng xuất khẩu. Ngoài ra còn có sự cạnh tranh không lành mạnh khi doanh nghiệp lạm dụng tỷ lệ mạ băng, gia tăng hàm lượng nước để hạ giá xuất khẩu, đều này gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững ngành cá tra. Hiện sản phẩm cá tra chế biến xuất khẩu của ta chưa đa dạng và công tác dự báo thị trường còn yếu kém, trong khi nhiều thị trường xuất khẩu như: Hoa Kỳ, Nga, EU… đang tăng cường các rào cản kỹ thuật và thương mại nhằm hạn chế cá tra Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này.

Hiệp hội Cá tra Việt Nam dự báo, trong những tháng còn lại của năm 2014, ngành cá tra trong nước sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi nhiều doanh nghiệp trong ngành còn yếu về năng lực vốn, năng lực quản lý và phát triển thị trường. Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vốn của các doanh nghiệp và hộ nuôi còn chậm và vướng phải nợ xấu. Tuy nhiên, ngành cá tra sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để khôi phục và phát triển với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và đơn vị có liên quan, cùng Nghị định 36 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 20-6 góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc của ngành cá tra.

* Quyết tái cấu trúc ngành cá tra

Nghị định 36 ra đời với 5 chương và 16 điều quy định khá cụ thể các điều kiện về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp tái cấu trúc lại ngành cá tra theo hướng giảm về số lượng, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và phát triển bền vững. Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng: Thời gian qua, do còn thiếu khung hành lang pháp lý, việc quản lý phát triển nuôi cá tra tại ĐBSCL rất khó thực hiện. Nhiều địa phương đã phát triển nuôi cá tra tự phát, chạy theo phong trào và “bệnh thành tích” nên diện tích, sản lượng cá tra gia tăng quá mức làm cung vượt cầu dẫn đến giá bán giảm và nhiều hệ lụy xấu khác. Nghị định 36 ra đời rất cần thiết và tỉnh An Giang mong muốn Nghị định này sớm đi vào cuộc sống để ổn định lại ngành cá tra và giúp ngành phát triển bền vững. Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Vương, tình hình phát triển nóng của con cá tra đã làm cung vượt cầu. Nghị định 36 ra đời là phù hợp nhằm chấn chỉnh lại hoạt động của ngành. Vấn đề là cần có Thông tư hướng dẫn kịp thời, phù hợp để tạo sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của các bên có liên quan.

Nghị định 36 sẽ tạo hành lang pháp lý giúp các địa phương thuận lợi hơn trong công tác quản lý đối với hoạt động nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Song, có ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn khi từ nay đến thời điểm Nghị định 36 có hiệu lực vào ngày 20-6-2014 còn rất ít thời gian, các công việc mà các bên có liên quan cần thực hiện theo Nghị định 36 lại khá nhiều, trong đó có một số nội dung cần phải có lộ trình dài hơn và một số nội dung trong Nghị định nếu áp dụng ngay doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, một số nội dung trong Nghị định 36 có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp như: quy định chỉ tiêu bắt buộc về tỷ lệ mạ băng, hàm lượng nước tối đa trong sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh; quy định doanh nghiệp muốn đủ điều kiện xuất khẩu cá tra phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra với Hiệp hội cá tra; đóng phí thẩm định kinh doanh thương mại cá tra… Bà Nguyễn Thị Ánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần thủy sản Ngọc Xuân, kiến nghị: “Cấp thẩm quyền cần xem xét giảm bớt quy định thật không cần thiết hoặc có chồng chéo với các cơ quan quản lý nhà nước khác như thủ tục đăng ký xuất khẩu (hiện đã đăng ký với Hải quan) và việc thu phí nhằm tạo thuận lợi về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và giúp hạ giá thành sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cá tra”.

Tuy nhiên, theo phản hồi của các cơ quan quản lý nhà nước, việc “siết chặt” quản lý ngành cá tra theo Nghị định 36 là rất cấp thiết và không thể chần chừ nữa. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, phân tích: “Phải mất hơn 4 dự thảo, Nghị định 36 mới được ra đời. Dù có những ý kiến khác nhau, nhưng trên cơ bản đều đồng thuận và cần triển khai ngay Nghị định này nhằm siết chặt quản lý ngành cá tra không để làm theo kiểu tự phát, chất lượng tùy ý theo yêu cầu của các khách hàng sẽ gây ra những hệ quả rất nghiêm trọng”. Bà Trần Bích Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản, cho rằng: “Từ năm 2005 đến nay đã có không ít thông tin bôi nhọ cá tra phi lê của nước ta có tỷ lệ mạ băng nhiều. Chính quyền tại một số thị trường xuất khẩu cá tra của chúng ta cũng xác nhận có một số lô hàng của doanh nghiệp có tỷ lệ mạ băng lên đến vài chục phần trăm. Do vậy, cần phải chấn chỉnh ngay việc này để giữ hình ảnh tốt đẹp cho cá tra Việt Nam, hơn nữa với công nghệ hiện tại chỉ cần mạ băng ở mức 6-10% là đủ để bảo quản tốt sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, tới đây phải thực hiện việc nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra nghiêm theo thời hạn có hiệu lực của Nghị định 36 đã được Chính phủ ban hành, không được lùi thời gian. Thông tư hướng dẫn sẽ lưu ý có quy định về lộ trình thực hiện đối với một số nội dung trong Nghị định 36 nhằm tạo điều kiện cho việc rà soát, chuyển đổi, tránh gây ảnh hưởng xấu cho hoạt động của doanh nghiệp và ngành cá tra nói chung. Đến đầu năm 2015, các doanh nghiệp và người nuôi cá tra phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung trong Nghị định 36.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết