29/08/2013 - 20:25

Cần hiểu đúng khi điều trị ARV

Để đảm bảo mục tiêu giảm thiểu số người lây nhiễm vi-rút HIV, khi năm 2016, Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hiệp Quốc (UNAIDS), chấm dứt tài trợ kinh phí trên toàn cầu. Hiện nay, TP Cần Thơ cùng cả nước đang dồn sức thực hiện chương trình điều trị ARV cho người mới nhiễm HIV. Trong khuôn khổ này, tại Hội thảo về hiệu quả của công tác phòng chống HIV/AIDS do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tại TP Cần Thơ (vào đầu tháng 8-2013), ông Chu Quốc Ân, Phó cục Trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS đã có bài tham luận, đúc kết kinh nghiệm, giúp nâng cao hiệu quả trong việc điều trị ARV.

* Nguyên tắc điều trị ARV: ARV (viết tắt của từ Antiretroviral)

Để điều trị HIV/AIDS, người bệnh thường phải uống nhiều loại thuốc/lần và uống nhiều lần/ngày. Hiện nay, người nhiễm HIV chỉ cần sử dụng viên thuốc phối hợp ARV, không ảnh hưởng tới các thuốc điều trị khác như: chống lao, tránh thai... và thích hợp với người lớn, trẻ em, phụ nữ mang thai. Nếu người bệnh điều trị sớm lúc tải lượng vi-rút trong máu còn thấp, sẽ có tác dụng khống chế nguy cơ lây truyền HIV cho người khác, đồng thời duy trì chất lượng cuộc sống, vì kéo dài thời gian HIV chuyển sang AIDS.

Khám cho trẻ nhiễm HIV tại phòng khám Ngoại trú nhi, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Ảnh: ĐOÀN LÝ 

Điều trị ARV là một phần trong tổng thể các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ về y tế, tâm lý và xã hội cho người nhiễm HIV/AIDS.

Điều trị ARV chủ yếu là điều trị ngoại trú và được chỉ định khi người bệnh có đủ tiêu chuẩn lâm sàng, đã xét nghiệm và chứng tỏ đã sẵn sàng phối hợp với cơ sở y tế hoặc bác sĩ để điều trị ARV. Bất cứ phác đồ điều trị nào cũng phải có ít nhất 3 loại thuốc. Điều trị ARV là điều trị suốt đời; người bệnh phải tuân thủ điều trị tuyệt đối để đảm bảo hiệu quả và tránh kháng thuốc. Người nhiễm HIV được điều trị ARV vẫn phải áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm vi-rút cho người khác. Trong đó, quan trọng nhất là phải dùng bao cao su khi quan hệ tình dục. Người nhiễm HIV được điều trị ARV khi tình trạng miễn dịch chưa phục hồi cần tiếp tục điều trị dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Theo dõi điều trị ARV: Người bệnh bắt đầu điều trị ARV cần được tái khám và phát thuốc định kỳ, thăm khám thường xuyên trong giai đoạn đầu để được tư vấn, hỗ trợ tuân thủ và theo dõi tác dụng phụ của thuốc khi bắt đầu điều trị. Khi người bệnh tuân thủ và dung nạp thuốc tốt, các triệu chứng lâm sàng được cải thiện, thời gian giữa các lần tái khám và phát thuốc là 1 tháng. Một số trường hợp hoàn cảnh đặc biệt có diễn biến lâm sàng, tuân thủ tốt thì thời gian giữa các lần tái khám có thể 2 tháng và do nhóm điều trị quyết định, một số trường hợp cần theo dõi thường xuyên hơn tại cơ sở điều trị nếu người bệnh có các nhiễm trùng cơ hội mới xuất hiện, có tác dụng phụ của thuốc hoặc phải thay thuốc. Mỗi lần tái khám, người bệnh được đánh giá tiến triển lâm sàng, làm các xét nghiệm cần thiết, cung cấp tư vấn và hỗ trợ cần thiết. Các thông tin đều phải được ghi lại trong bệnh án và sổ khám bệnh của phòng khám.

* Theo dõi lâm sàng

Mỗi lần tái khám, người bệnh cần được đánh giá tiến triển lâm sàng, phát hiện và xử trí các tác dụng phụ hoặc các nhiễm trùng cơ hội mới, cụ thể: Theo dõi cân nặng, nhiệt độ, mạch, huyết áp và khả năng vận động; các dấu hiệu lâm sàng liên quan đến tác dụng phụ của thuốc; phát hiện các nhiễm trùng cơ hội mới, tái phát; phân biệt nguyên nhân phục hồi miễn dịch hay thất bại điều trị để có hướng xử trí phù hợp; đánh giá lại giai đoạn lâm sàng. Nếu người nhiễm HIV điều trị ARV mang thai thì bác sĩ điều trị phải kiểm tra, dự liệu sức khỏe thai phụ (đánh giá khả năng mang thai) để kịp thời thay thuốc ARV khi cần. Quan trọng là không dùng efavirenz cho phụ nữ có thai trong 12 tuần đầu của thai kỳ.

Các dấu hiệu lâm sàng chứng tỏ người bệnh đáp ứng với điều trị ARV: Tăng cân, thèm ăn trở lại và ăn ngon miệng, chức năng vận động tốt hơn. Hết các dấu hiệu liên quan đến các nhiễm trùng cơ hội và bệnh lý liên quan đến HIV.

Hướng dẫn khi người bệnh quên uống thuốc: Khi phát hiện ra quên uống thuốc theo lịch, người bệnh phải uống ngay liều thuốc vừa quên. Tiếp theo tính thời gian uống liều kế tiếp theo lịch như thường lệ: Nếu thời gian đến liều uống kế tiếp còn trên 4 giờ, uống liều đó vào đúng thời gian theo lịch như bình thường. Nếu thời gian đến liều uống kế tiếp còn dưới 4 giờ, "không được" uống liều kế tiếp theo lịch cũ mà phải đợi trên 4 giờ mới được uống. Nếu người bệnh quên uống hơn 2 liều ARV trong một tuần, người bệnh phải báo cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra thể trạng và có cách xử trí phác đồ điều trị phù hợp.

* Yêu cầu từ phía người bệnh

Điều trị thuốc kháng ARV cho những người có HIV là điều trị suốt đời. Nếu người nhiễm HIV không có ý thức tốt về tầm quan trọng của việc điều trị thì việc điều trị thuốc kháng ARV không giúp ích cho người có HIV, thậm chí còn đẩy người có HIV vào tình trạng nguy hiểm (do tác dụng phụ của thuốc, do kháng thuốc, dị ứng thuốc). Do vậy, yếu tố quan trọng trong mục tiêu điều trị ARV, mà các cơ sở y tế phải có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao ý thức phối hợp của người nhiễm HIV (bệnh nhân) với cơ sở y tế. Trường hợp người nhiễm HIV có nghiện rượu, bia hoặc có bệnh lý về gan, trước khi điều trị ARV nên xét nghiệm HBsAg và anti - HCV, để xác định men gan. Nếu có HBsAg và hoặc antiHCV (+) thì phải điều trị ARV theo phác đồ đồng nhiễm.

Đình Khôi

Chia sẻ bài viết