21/02/2024 - 15:29

Cải thiện năng suất lao động để phát triển bền vững 

Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi vững chắc, tác động của những bất định toàn cầu có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động. Để tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần cải thiện năng suất lao động, vừa giải quyết tình trạng “lệch cung” về thị trường lao động, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cải thiện năng suất lao động là yếu tố tiên quyết để phát triển bền vững.

Thị trường cải thiện nhưng chưa bền vững

Năm 2023, thị trường lao động tiếp tục phục hồi, dù số lao động có việc làm tăng nhẹ so với năm 2022, nhưng vẫn chưa thể phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19. Thống kê của ngành chức năng, năm 2023 số lao động không sử dụng hết tiềm năng của nước ta là 2,3 triệu lao động, đa số thuộc nhóm lao động trẻ 15-34 tuổi (chiếm đến 49,3%). Điều này cho thấy độ lệch về cung - cầu lao động, phản ánh tình trạng dư cung về lao động và lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của nước ta đạt 52,4 triệu người, tăng 666.500 người so với năm 2022; trong đó khu vực thành thị chiếm 37,3%, khu vực nông thôn chiếm 62,7%. Lực lượng lao động nữ là 24,5 triệu người, lao động nam là 27,9 triệu người. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2023 của nam giới là 75,2% (tăng 0,2 điểm phần trăm), nữ giới là 62,9% (tăng 0,4 điểm phần trăm so với năm 2022).

Năm 2023, lao động có việc làm đạt 51,3 triệu người, tăng 683.000 người (tăng 1,35% so với năm 2022). Năm qua ghi nhận việc làm tăng cả khu vực thành thị và nông thôn, nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế, cùng với các chính sách phát triển, ổn định thị trường lao động của Chính phủ. Khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ có việc làm tăng (tương ứng tăng 1,5% và 2,8%) so với khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản. Nhưng so với năm 2022, lao động làm việc trong khu vực công nghiệp - xây dựng vẫn chịu ảnh hưởng nhiều nhất về tình trạng thiếu việc làm.

Theo thống kê, năm 2023 số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 918.500 người (tương ứng tỷ lệ 2,01%), giảm 79.800 người so với năm 2022. Tình trạng thiếu việc làm đã cải thiện đáng kể; đồng thời tình trạng thất nghiệp cũng giảm do một số ngành, lĩnh vực kinh tế phục hồi và tăng trưởng khá. Tính chung năm 2023, cả nước có khoảng 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, tương ứng tỷ lệ 2,28% và đã giảm 0,06 điểm phần trăm so với năm 2022… Song trên thực tế, sự cải thiện về thị trường lao động chưa bền vững, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm qua chỉ khoảng 27% (khoảng 14,1 triệu người), chỉ cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022 và vẫn còn trên 38 triệu lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Các chuyên gia cho rằng, giải quyết bài toán cân bằng cung - cầu lao động và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế cần cải thiện năng suất lao động để giảm bớt tình trạng thất nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.  

Giải quyết bài toán năng suất lao động

Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm phần trăm. Vậy nên, cải thiện năng suất lao động là yếu tố quyết định để phát triển kinh tế bền vững. Năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của toàn nền kinh tế đạt khoảng 199,3 triệu đồng/lao động (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65%, mức tăng thấp so với kế hoạch.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 nhận định, tốc độ tăng năng suất lao động các năm 2021-2023 đạt thấp và không đạt mục tiêu đề ra (6,5%); lần lượt năm 2021 đạt 4,6% và năm 2022 đạt 4,8%, nên cần chú trọng theo dõi, giám sát để có giải pháp cải thiện năng suất lao động, nhất là ở các vùng kinh tế trọng điểm, các lĩnh vực phát triển trọng tâm.

Số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Một số tổ chức quốc tế nhận định, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5-7% giai đoạn 2021-2030 thì năng suất lao động phải tăng bình quân từ 6-6,5%/năm. Hiện so với các quốc gia trong khu vực châu Á, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 12,2% Singapore, bằng 63,9% Thái Lan, bằng 58,9% so với Trung Quốc (năm 2022)… Các chuyên gia cũng nêu nguyên nhân năng suất lao động của Việt Nam thấp do năng suất lao động khu vực doanh nghiệp thấp, ứng dụng công nghệ tiên tiến còn hạn chế, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ở trình độ cao, cơ cấu lao động theo ngành chưa hợp lý,... Bởi năng suất lao động phụ thuộc rất lớn vào trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng của người lao động, trong khi lao động có chứng chỉ đào tạo của Việt Nam cuối năm 2023 chỉ khoảng 27%.

Nhiều ý kiến của chuyên gia cho biết, Việt Nam còn nhiều dư địa để cải thiện năng suất lao động, nhất là lao động trẻ. Năm qua, tình trạng thất nghiệp của lao động trẻ vẫn ở mức cao, trên 7% các quý trong năm 2023, do thiếu kỹ năng, thị trường lao động chưa kết nối hiệu quả giữa cung - cầu. Vì vậy, công tác đào tạo cần chú trọng đến đào tạo kỹ năng, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục để phát triển nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… Trong kỷ nguyên phát triển mới, Việt Nam cần phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất lao động. Đây còn là con đường đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Bài, ảnh: SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết