20/04/2025 - 08:53

Các “nút chiến lược” của Trung Quốc ở Thái Bình Dương 

Báo cáo được tờ Newsweek công bố mới đây cho biết, Trung Quốc đang âm thầm mở rộng ảnh hưởng quân sự trên khắp khu vực Thái Bình Dương bằng cách xây dựng hàng chục cảng, sân bay cũng như các dự án truyền thông tại các điểm then chốt ở khu vực rộng lớn này hòng ngăn chặn Mỹ và các đồng minh trong trường hợp nổ ra chiến tranh.

Các “nút chiến lược” do Trung Quốc xây dựng ở Thái Bình Dương. Ảnh: Newsweek

Theo báo cáo, các dự án trên có vẻ mang tính chất dân sự nhưng thực chất là các “nút chiến lược” trải dài khoảng 3.000 dặm, từ Papua New Guinea cho đến Samoa. Những hòn đảo xa xôi của Thái Bình Dương này từng đóng vai trò quan trọng đối với chiến lược tác chiến của Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai và được cho cũng có thể giữ vai trò thiết yếu trong cuộc xung đột toàn cầu tiếp theo. Riêng Papua New Guinea nhờ có vị trí chiến lược là nằm gần một cảng nước sâu được các tàu của Mỹ sử dụng nên được Trung Quốc xem như là “bàn đạp” tiềm năng để giám sát và phá vỡ các hoạt động của Mỹ, ngăn chặn các nhiệm vụ chung giữa Washington và các đối tác khu vực. Trong khi đó, Vanuatu, nơi Mỹ đặt một căn cứ hải quân lớn trong thời Chiến tranh Thái Bình Dương (1879-1894), cũng là địa điểm Trung Quốc đặt các “cơ sở hạ tầng bí mật”. Gần đây, Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải còn mở rộng một cầu cảng tại cảng Luganville nhằm cho phép nơi đây tiếp nhận các tàu chở hàng lớn cũng như tàu chiến của Trung Quốc.

Báo cáo xác định, có tới 39 nút chiến lược đang hoạt động trong khi Newsweek phát hiện thêm 11 nút chiến lược nữa, nâng tổng số nút chiến lược lên 50. Theo nghiên cứu của Newsweek, mức đầu tư vào các nút chiến lược này vào khoảng 3,55 tỉ USD. Đa phần các nút chiến lược này nằm ở 11 quốc đảo Thái Bình Dương.

Domingo I-Kwei Yang, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan, cho biết ít nhất 12 sân bay tại khu vực hiện có thể tiếp nhận Y-20, máy bay vận tải quân sự lớn nhất của Trung Quốc. Ông Yang cho hay mạng lưới hậu cần ở Nam Thái Bình Dương chủ yếu do các công ty Trung Quốc xây dựng đã không được chú ý tới ngay cả khi cạnh tranh giữa Bắc Kinh với Washington ngày càng sâu sắc trong bối cảnh tham vọng mở rộng các căn cứ ở nước ngoài của Trung Quốc ở những nơi khác bị giám sát một cách chặt chẽ.

Trong một loạt hoạt động khiến các quốc gia Thái Bình Dương kinh ngạc, Trung Quốc hồi giữa năm 2024 đã bắn một tên lửa đạn đạo từ tỉnh Hải Nam, rơi xuống Thái Bình Dương tại vùng đặc quyền kinh tế của Kiribati; tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Tasman giữa New Zealand và Úc, buộc các chuyến bay thương mại phải chuyển hướng; và cử tàu hải quân đi vòng quanh nước Úc.

“Hiện câu hỏi được đặt ra không phải là liệu Trung Quốc có hoàn thành hệ thống hậu cần dân sự - quân sự ở Thái Bình Dương hay không mà là khi nào họ hoàn thành” - ông Yang cho biết. Theo ông Yang, mạng lưới chiến lược này bắt đầu được phát triển trong khoảng 2 thập niên trước và hiện được lồng ghép vào sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc - kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu có mục đích “sử dụng kép” cả dân sự và quân sự. Cuối cùng, mạng lưới này có thể khiến Mỹ và các đồng minh khó hoạt động trên các khu vực rộng lớn của Thái Bình Dương. “Bắc Kinh đặt mục tiêu tái định hình cấu trúc quyền lực khu vực và thách thức các liên minh do Mỹ lãnh đạo, buộc các đồng minh truyền thống của Washington trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Úc và New Zealand xem xét lại quan hệ đối tác an ninh của họ với Mỹ, ngã về Bắc Kinh và thay đổi cán cân quyền lực khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc” - ông Yang cho biết thêm.

Theo báo cáo, các nút chiến lược nói trên cũng là một phần của kế hoạch địa chiến lược thậm chí còn tham vọng hơn hướng tới tận Nam Mỹ nhằm cô lập Mỹ. Hồi tháng 11 năm ngoái, Peru đã tổ chức lễ khánh thành cảng nước sâu Chancay do Trung Quốc tài trợ. Siêu cảng do tập đoàn đóng tàu COSCO của Trung Quốc xây dựng này nhận được 1,3 tỉ USD vốn đầu tư của Bắc Kinh cho giai đoạn đầu tiên. Đổi lại, COSCO có quyền khai thác cảng trong 30 năm. Trung Quốc dự kiến ​​sẽ chi thêm hàng tỉ USD khi Bắc Kinh và Lima nỗ lực biến cảng này thành một trung tâm vận chuyển lớn giữa châu Á và Nam Mỹ. Trước đó, các ngân hàng của Trung Quốc đã chấp thuận cho Peru vay 3,5 tỉ USD để thực hiện dự án xây cảng Chancay, hướng ra Thái Bình Dương.

Khi được hỏi về mục tiêu ở Thái Bình Dương, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Lưu Bằng Vũ cho biết: “Để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn với các nước láng giềng, Trung Quốc coi việc xây dựng một cộng đồng hòa bình, yên tĩnh, thịnh vượng, tươi đẹp và thân thiện là tầm nhìn chung của mình. Trung Quốc sẽ duy trì các giá trị hòa bình, hợp tác, cởi mở và toàn diện của châu Á, sử dụng BRI làm nền tảng chính và tìm kiếm tiếng nói chung trong khi gác lại những khác biệt, ưu tiên đối thoại và tham vấn”.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết