Trong một bài viết được hãng tin Mỹ AP đăng tải gần đây, hai tác giả Qassim Abdul-Zahra và Diaa Hadid cho biết nhiều khả năng cuộc tấn công khiến hàng chục binh sĩ Syrie thương vong hồi đầu tháng 3 vừa qua là kết quả của sự hợp tác giữa các nhóm thánh chiến Syrie và Iraq.
 |
Chiến binh al-Qaeda tại khu vực biên giới Syrie-Iraq. Ảnh: AP |
Các quan chức tình báo khu vực cho biết cuộc phục kích hôm 4-3 khiến 48 người Syrie thiệt mạng là bằng chứng cho thấy sự hợp tác giữa hai nhóm Hồi giáo cực đoan bao gồm al-Qaeda ở Iraq và Mặt trận al-Nusra (Jabhat al-Nusra) ở Syrie. Họ cho rằng mối quan hệ hợp tác giữa hai nhóm thánh chiến này ngày càng phát triển, đã thổi một "làn gió mới" vào các cuộc nổi dậy của những người Hồi giáo Sunni ở Iraq, khiến họ thực hiện gần 20 vụ đánh bom xe và tấn công tự sát, lấy đi sinh mạng của hơn 65 người chủ yếu ở khu vực Thủ đô Baghdad vào đêm diễn ra lễ kỷ niệm 10 năm ngày quân đội Mỹ tấn công xâm lược nước này.
Các quan chức tình báo Iraq khẳng định hiện các nhóm thánh chiến của hai nước đang chia sẻ 3 doanh trại huấn luyện quân sự, hậu cần, tình báo và vũ khí tại khu vực biên giới Syrie-Iraq, biến nơi đây thành khu trú ẩn vùng biên được xem như là một căn cứ để thực hiện các cuộc tấn công bên kia biên giới. "Chúng tôi đang rất lo ngại tình hình an ninh ở Iraq. Khu vực biên giới được xem là sào huyệt của các nhóm khủng bố" - phát ngôn viên chính phủ Iraq Ali al-Moussawi cho biết. Trong khi đó, một quan chức chống khủng bố của Jordanie cho hay al-Qaeda tại Iraq đã hỗ trợ Mặt trận al-Nusra bằng mọi cách có thể bao gồm vũ khí, chiến binh và cả huấn luyện chiến binh. Ngoài ra, một nhà phân tích an ninh khu vực cho rằng cuộc tấn công vào các binh sĩ Syrie ở Iraq trong thời gian gần đây được xem là bằng chứng thiết thực của mối quan hệ hợp tác giữa hai nhóm. "Họ đang tiến hành chuyển giao cho nhau vũ khí, mưu mẹo và ý tưởng để thực hiện các cuộc tấn công tự sát với quy mô lớn hơn, phức tạp hơn. Đây được xem là hoạt động hợp tác của hai nhóm" ông nói.
Vai trò của Mặt trận al-Nusra trong cuộc nội chiến ở Syrie đang gây phiền toái không chỉ cho Iraq mà còn đối với một số nước ủng hộ phe đối lập Syrie. Kể từ khi xuất hiện vào giữa năm 2012, al-Nusra trở thành lực lượng chiến đấu mạnh nhất trong các nhóm nổi dậy cùng với sự hiện diện mạnh mẽ ở các tỉnh miền Đông gần biên giới Iraq như Raqqa, Deir el-Zour và Hassakeh. Nhóm này đã thực hiện nhiều vụ đánh bom tự sát đẫm máu nhằm chống lại chế độ và các cơ sở quân sự. Các quan chức tình báo ước tính hồi tháng rồi, có khoảng 750 chiến binh Mặt trận al-Nusra bao gồm cả chiến binh nước ngoài được điều đến Syrie để chống lại chính phủ của Tổng thống Syrie Bashar al-Assad đồng thời nhiều chiến binh Syrie ngày càng vượt biên sang Iraq để gặp các đối tác al-Qaeda.
Ở thời điểm hiện tại, Iraq và các quốc gia láng giềng của Syrie bao gồm Jordanie, Liban, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đều tỏ ra lo ngại trước ảnh hưởng của cuộc nội chiến kéo dài hai năm qua ở Syrie. Tất cả đều lo ngại rằng cuộc xung đột ở Damas sẽ khiến cuộc chiến tranh giáo phái giữa những người Hồi giáo dòng Sunni và người Hồi giáo dòng Shiite lan rộng ra khắp khu vực. Dưới thời chính phủ của Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, một nhà lãnh đạo người Shiite, các mối quan hệ giữa người Shiite và người Sunni vốn đã căng thẳng nay có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn.
TRÍ VĂN (Theo AP)