14/07/2019 - 12:47

Các cường quốc tranh ảnh hưởng tại châu Phi 

Cho đến nay, nhiều người vẫn tin rằng vòng cạnh tranh ảnh hưởng mới ở châu Phi là thuộc về Trung Quốc và Mỹ. Song, sự thật là một cuộc đua tay ba đang diễn ra với sự góp mặt của cả Nga.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng giới lãnh đạo châu Phi tại FOCAC 2018. Ảnh: AFP

Trong hành trình tìm kiếm ảnh hưởng ở lục địa đen, cả Bắc Kinh, Washington và Mát-xcơ-va đều triển khai các công cụ truyền thống trên 3 lĩnh vực: hợp tác kinh tế, hỗ trợ quân sự và công nghệ. Lĩnh vực thứ tư là quyền lực mềm thông qua các diễn đàn cấp cao và các chuyến thăm viếng. Trung Quốc đã "thể chế hóa" Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) từ năm 2000 nhằm vun đắp và tăng cường quan hệ với châu Phi, được tổ chức 3 năm/lần. Trong khi đó, Mỹ chỉ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi đầu tiên và duy nhất tại thủ đô Washington vào tháng 8-2014 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Về phần mình, Nga tuyên bố sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi đầu tiên tại thành phố Sochi vào tháng 10 tới.

Trong giai đoạn từ năm 2000-2018, các đời chủ tịch Trung Quốc đã có 25 chuyến thăm tới 17 quốc gia châu Phi, trong khi các tổng thống Mỹ thực hiện 22 chuyến thăm tới 13 nước, còn các tổng thống Nga có 12 chuyến công du đến 8 quốc gia. Nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) đổ vào châu Phi của Mỹ và Nga năm 2017 lần lượt là 8,7 tỉ USD và 23 triệu USD. Trong khi đó, gói ODA của Trung Quốc dành cho châu Phi trong 3 năm được công bố năm 2015 là 60 tỉ USD. Tại FOCAC 2018, Bắc Kinh cam kết cho châu Phi vay thêm 60 tỉ USD trong vòng 3 năm tiếp theo. Ước tính, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi lên tới 204 tỉ USD trong năm 2018, giữa Mỹ và châu Phi đạt 62 tỉ USD và giữa Nga và châu Phi đạt 22 tỉ USD.

Trong khi Mỹ đề ra Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi (AGOA) để thúc đẩy tăng trưởng thương mại với châu Phi, sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc được cho sẽ có tác động lớn đối với sự phát triển về mặt cơ sở hạ tầng ở châu Phi. Tính đến năm 2017, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi của Mỹ là 52 tỉ USD và của Trung Quốc là 40 tỉ USD.  Riêng đầu tư của Nga vào đây là hơn 20 tỉ USD tính đến năm 2018. 

Còn về mặt hiện diện quân sự, Mỹ trong giai đoạn 2017-2018 có địa điểm đóng quân ở 17 quốc gia châu Phi, hỗ trợ huấn luyện cho 22 nước, diễn tập quân sự ở 12 quốc gia, có hoạt động chiến đấu ở 9 nước và hoạt động không kích bằng máy bay không người lái ở 2 nước. Trái lại, Trung Quốc chỉ có một căn cứ quân sự ở Djibouti, triển khai các bài diễn tập chống cướp biển tại 4 quốc gia và điều đội ngũ y tế đến công tác tại 4 quốc gia. Nga cũng có một căn cứ quân sự ở một nước và hỗ trợ huấn luyện cho 2 quốc gia châu Phi.

Sự hỗ trợ, chia sẻ công nghệ của 3 "ông lớn" dành cho châu Phi được thể hiện qua số sinh viên đại học. Trung Quốc tiếp nhận 61.594 sinh viên và Mỹ đón khoảng 40.000 sinh viên châu Phi năm 2016. Chưa có số liệu về sinh viên châu Phi tại Nga. 

 Nga tăng tốc

Sau thời gian lặng lẽ, việc Mát-xcơ-va tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần đầu tiên vào tháng 10 tới chắc chắn thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Lâu nay, ngoài xuất khẩu vũ khí cho nhiều quốc gia châu Phi,  đầu tư của Nga vào châu lục này chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản, như tại Zimbabwe, Angola, CHDC Congo, Namibia và CH Trung Phi. Sự tập trung của Nga vào châu Phi càng nhanh chóng hơn kể từ khi bị phương Tây cô lập vì sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014. Nga đã xác lập căn cứ quân sự tại CH Trung Phi năm 2017 như là bước chuyển địa chính trị quan trọng. CH Trung Phi được mô tả là quốc gia nằm ở vị trí chiến lược quan trọng giữa người Hồi giáo ở phía Bắc và Cơ đốc giáo ở phía Nam châu Phi. Đây là cơ sở để Nga mở rộng khắp lục địa đen. Đã có các nguồn tin mật bị tiết lộ rằng Nga có kế hoạch hiện diện quân sự ở ít nhất 13 quốc gia châu Phi.

 

Châu Phi có 1,2 tỉ dân và dự kiến sẽ tăng lên 1,52 tỉ người vào năm 2025, tức lớn gần gấp 5 lần dân số Mỹ. Mới đây, 54/55 quốc gia châu Phi đã ký thỏa thuận thành lập Khu vực Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA)  và sẽ có hiệu lực từ tháng 7-2020. Đây là cơ sở quan trọng để các nước bên ngoài đẩy mạnh đầu tư vào lục địa đen. 

TRÍ VĂN 

Chia sẻ bài viết