04/09/2008 - 21:51

Đồng bằng sông Cửu Long

Cá tra nguyên liệu tăng giá, bắt đầu cuộc giằng co mới?

Thu hoạch cá tra ở An Giang. Ảnh: VŨ HÀ

Hơn hai tuần qua, cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL tăng giá trở lại. Việc tăng giá này xem như chấm dứt cuộc khủng hoảng dư thừa nguyên liệu bắt đầu từ cuối tháng 2 – 2008. Tuy nhiên, cả người nuôi cá tra và doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đều chưa phấn khởi… Vì sao?

* Giá cá tăng nhanh, thiếu nguồn nguyên liệu

Bắt đầu từ khoảng trung tuần tháng 8, giá cá nguyên tra nguyên liệu ở ĐBSCL bắt đầu tăng. Cụ thể: So với cuối tháng 7, đầu tháng 8 giá cá loại thịt trắng 14.300 – 14.400 đồng/kg, tăng khoảng 200 đồng/kg; cá loại thịt vàng khoảng 13.400 đồng/kg tăng khoảng 100 đồng/kg. Đến chiều ngày 3-9, tại TP Cần Thơ cá tra nguyên liệu cỡ lớn (trên 1kg/con) ở mức 14.000 – 14.500 đồng/kg, tăng 200 – 700 đồng/kg so với trước. Cá đúng cỡ (từ 0,9-1kg/con) giá từ 15.000 – 15.700 đồng/kg...

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra xuất khẩu Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), cho biết: “Số lượng cá đang vào vụ thu hoạch chủ yếu là cá được thả nuôi từ cuối năm ngoái hoặc đầu năm nay. Nhưng số lượng không nhiều, vì cũng có nhiều hộ nuôi không qua nổi cơn khủng hoảng vừa qua hoặc chất lượng cá không đảm bảo cho chế biến xuất khẩu”. Chính vì thế, theo ông Hải, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong thời điểm này khó giao dịch được với người đang có cá nếu không có hợp đồng được ký kết từ trước.

Còn ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, nếu tính luôn lượng cá quá cỡ, cá đang đến kỳ thu hoạch ở TP Cần Thơ chỉ còn trên dưới 20.000 tấn nguyên liệu. Số lượng này, có thể nói chỉ đáp ứng cho các doanh nghiệp ở Cần Thơ, An Giang... chế biến trong vòng 1 tuần. Mặt khác, mùa lũ năm nay về tương đối sớm hơn so với mọi năm, nên ở các địa phương đầu nguồn như An Giang, Thốt Nốt (TP Cần Thơ)... người nuôi cá tra sẽ tranh thủ bán nhanh lượng cá đến kỳ thu hoạch để chạy lũ.

Trong khi đó, cùng với TP Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp... chính quyền địa phương đã “xắn tay”, khuyến khích các doanh nghiệp thu mua cá cỡ lớn cho dân, nên đến cuối tháng 8 số lượng cá quá lứa tồn đọng ở các địa phương này không đáng kể”. Chính vì thế, ông Bùi Hữu Trí dự báo: “Giá cá tra nguyên liệu sẽ tăng mạnh và cuộc khủng hoảng cá nguyên liệu sẽ bắt đầu vào cuối tháng 9, tháng 10. Bởi đây là thời điểm các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng cho các thị trường xuất khẩu chuẩn bị cho mùa đông, mùa Noel, Tết Dương lịch...”. Cũng theo ông Trí, tình trạng thiếu nguyên liệu sẽ càng gay gắt hơn trong năm tới. Bởi đây là thời điểm thả cá giống để có nguồn nguyên liệu cho đầu năm 2009, nhưng có ít nhất 70% người nuôi cá tra không còn khả năng tái đầu tư, hoặc quyết định “treo” hầm.

* Phát triển thị trường “dễ tính”...

Hiện nay, sản phẩm con cá tra của Việt Nam đã có mặt tới gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất trong năm nay chính là cá tra xuất khẩu của Việt Nam đã có được thị phần ở những thị trường dễ tính, nhất là thị trường Nga và Ukraina (không yêu cầu cao về thành phần trong sản phẩm xuất khẩu).

Đối với thị trường Nga, theo Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ tư (sau Na Uy, Trung Quốc và Đan Mạch) vào Nga, với các mặt hàng chủ yếu cá tra, ba sa. Nga cũng là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ năm của Việt Nam (sau EU, Nhật, Mỹ và Hàn Quốc). Theo các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, chế biến hàng xuất sang Tây Âu chỉ đạt 50% công suất bởi yêu cầu của họ khắt khe. Còn chế biến hàng xuất sang Nga dễ hơn nhiều, công suất luôn đạt 100%, cho nên xuất hàng sang thị trường này thuận lợi hơn. Điều đáng quan tâm là xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ thì cá phải có trọng lượng từ 1 kg – 1,05 kg, không có mỡ, còn xuất sang Nga thì cá nặng đến 1,7 kg- 2 kg vẫn được chấp nhận. Thị trường châu Âu chỉ chấp nhận cá thịt trắng thì thị trường Nga chuộng cá thịt đỏ, thậm chí cả phần mỡ...

Tương tự như Nga, Ukraina đang là thị trường tiềm năng của cá tra Việt Nam với mức tăng trưởng ngoạn mục 1.459% về lượng và 1.446% về giá trị (6 tháng đầu năm 2008). Đây là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu con cá tra trong thời gian tới.

* Nhưng chưa vội mừng...!

Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đang trên đà tăng, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, người nuôi cá và cả doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đều không mấy phấn khởi.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra xuất khẩu Thới An, nói: “Khó có thể dự đoán được trong mấy ngày tới giá cá nguyên liệu trên thị trường tăng đến bao nhiêu. Nhưng có tăng bao nhiêu thì người nuôi không vui vì khó theo kịp tốc độ tăng của chi phí sản xuất”. Theo ông Hải, đến sáng ngày 4-9, giá cá tra nguyên liệu đã tăng lên 16.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo tính toán mới nhất của HTX, giá thành nuôi con cá tra nguyên liệu đã lên đến 18.500 - 19.000 đồng/kg.

Còn ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, cho rằng: “Ngân hàng tiếp tục không cho vay đối với các hợp đồng nuôi cá tra xuất khẩu. Mà cho vay người nuôi cá cũng không dám mạnh dạng đầu tư. Bởi, dù dự đoán được giá cá nguyên liệu tăng mạnh nhưng chưa ai dám đảm bảo giá thành sản xuất, giá xuất khẩu của con cá tra ổn định đảm bảo cho việc ổn định giá thị trường nguyên liệu trong thời gian tới”.

Theo ông Nguyễn Văn Phấn, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến Thủy hải sản Hiệp Thanh, điểm hòa vốn đối với sản phẩm cá tra phi lê xuất khẩu đã ở mức 3,8 USD/kg. Tuy nhiên, dù mang lại kim ngạch xuất khẩu khá cao, nhưng con cá tra chưa được quan tâm, hỗ trợ trong việc xúc tiến, quảng bá thương hiệu. Đây là một thiệt thòi cho các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cũng như thiệt thòi đối với việc ổn định giá cả xuất khẩu của sản phẩm cá tra. Trong khi đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã ký nhiều hợp đồng xuất khẩu với giá thấp, thậm chí chỉ với giá 1,7-1,75USD/kg cá tra phi lê. Chính vì thế, giá cá tiếp tục tăng mạnh do thiếu nguyên liệu là một áp lực cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới.

Đây là những nguyên nhân xấu được dự báo thị trường cá tra nguyên liệu sẽ còn nhiều giằng co giữa doanh nghiệp với người nuôi trong thời gian tới. Cá tra nguyên liệu tăng giá, chấm dứt cuộc khủng hoảng thừa kéo dài từ khoảng tháng 2- 2008. Nhiều người cho rằng, đây là bước khởi đầu của một cuộc khủng hoảng mới: khủng hoảng thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Điều này đã được dự báo từ trước. Chính vì thế, ngay từ bây giờ, người nuôi, doanh nghiệp, nhà chế biến phải làm ăn có hợp đồng và tuân thủ chặt chẽ theo hợp đồng đã ký. Đó là việc làm cần thiết và cấp bách!

HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết