Với chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc phòng đối phó những thách thức mới”, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 5 (ADMM-5) vừa diễn ra tại Thủ đô Jakarta của Indonesia, đã đạt được những thỏa thuận hợp tác an ninh và quốc phòng rất quan trọng nhằm giúp giảm đến mức thấp nhất nguy cơ xung đột nội bộ và ngăn chặn các mối đe dọa từ bên ngoài.
|
Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị. Ảnh: Jakarta Post |
Theo hãng thông tấn Antara của Indonesia, lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước ASEAN đã đồng ý sẽ làm việc cùng nhau chặt chẽ hơn trên 5 lĩnh vực hợp tác là an ninh hàng hải, duy trì hòa bình, công nghiệp quốc phòng, cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo. Hội nghị đã đưa ra Tuyên bố chung kêu gọi tăng cường hợp tác an ninh-quốc phòng giữa các nước thành viên nhằm đảm bảo và tiếp tục thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực, hướng tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với một trong ba trụ cột quan trọng là Cộng đồng chính trị-an ninh ASEAN. Tuyên bố chung cũng khẳng định tự do hàng hải ở Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về luật biển; nhấn mạnh cam kết của các nước thành viên ASEAN thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới thông qua Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để tiếp tục thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.
Để cụ thể hóa các lĩnh vực hợp tác, hội nghị đã thống nhất thành lập một ủy ban điều phối chung trong việc sử dụng tài sản của ASEAN để trợ giúp nhân đạo và hỗ trợ thiên tai; thành lập một mạng lưới các trung tâm gìn giữ hòa bình của ASEAN để lập kế hoạch huấn luyện, trao đổi kinh nghiệm tác chiến giữa các nước thành viên; và thiết lập cơ chế tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng nhằm giảm sự phụ thuộc trang thiết bị quân sự từ bên ngoài. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết tổng chi tiêu mua sắm trang thiết bị quốc phòng của ASEAN vào khoảng 25 tỉ USD/năm, nhưng nếu các nước khu vực hợp tác lại với nhau sẽ giúp giảm chi tiêu còn 12,5 tỉ USD vào năm 2030.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường vai trò của ADMM trong ASEAN, nhấn mạnh đây là diễn đàn thúc đẩy hợp tác song phương, cải thiện đáng kể tính minh bạch, tin cậy và tôn trọng trong ASEAN, làm tiền đề hợp tác quốc phòng trong tương lai của khối. Ông cũng cho rằng ASEAN cần tiếp tục duy trì tính trung tâm của mình trong việc phát triển diễn đàn ADMM+ với các nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand nhằm tăng cường hợp tác, đảm bảo an ninh, ổn định khu vực, đồng thời khẳng định hiệu quả của các hoạt động như chống hải tặc, buôn lậu và khủng bố nhằm củng cố lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với ASEAN.
Tuy nhiên, ông Yusgiantoto nói thêm ASEAN không có hiệp ước quốc phòng và không bắt buộc tất cả các nước thành viên thực hiện đầy đủ các cam kết chính trị và hợp tác quốc phòng của mình, mà đây là cơ sở quan trọng để các bên nỗ lực hợp tác trong khuôn khổ đa phương nhằm giải quyết các vấn đề an ninh-chính trị chung của khu vực và quốc tế. Giới quan sát chính trị cũng đánh giá mặc dù các thỏa thuận trên của ASEAN có thể gặp trở ngại trong thực thi, nhưng đây là bước tiến hợp tác an ninh ở mức độ cao nhất trong lịch sử của ASEAN.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)