13/05/2010 - 09:05

Bước ngoặt mới của “câu lạc bộ các nước giàu”

Những người ủng hộ Palestine biểu tình trước trụ sở OECD ở Paris phản đối việc tổ chức này mời Israel gia nhập. Ảnh: AFP

Sau nhiều năm nỗ lực vận động, Israel, Estonia và Slovenia ngày 10-5 đã được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chính thức mời gia nhập. Đây được xem là “câu lạc bộ các nước giàu nhất hành tinh”. Vì thế, dư luận cho rằng đó là một thành công lớn về ngoại giao của cả 3 nước này, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang phải đương đầu với nguy cơ khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Theo quy định, nếu Quốc hội Israel, Estonia và Slovenia phê chuẩn việc gia nhập OECD thì lễ kết nạp thành viên mới sẽ được tổ chức tại trụ sở chính của OECD ở Paris (Pháp) vào ngày 27-5 tới. Hiện nay, OECD có 30 quốc gia thành viên chính thức và một nước thành viên chưa đầy đủ mới được kết nạp hồi năm ngoái là Chile.

OECD được thành lập năm 1961 trên cơ sở Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu (OEEC) với 20 thành viên sáng lập gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu. Mục tiêu ban đầu của OECD là xây dựng các nền kinh tế mạnh ở các nước thành viên, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả kinh tế thị trường, mở rộng thương mại tự do và góp phần phát triển kinh tế ở các nước công nghiệp. Những năm gần đây, OECD đã mở rộng phạm vi hoạt động, chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm phát triển cho các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

Trong 3 nước mới được mời gia nhập, Estonia và Slovenia là hai nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có GDP bình quân đầu người khoảng 18.800-23.700 USD. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Israel khá cao, 28.900 USD. Con số này ở Chile là trên 14.300 USD. Cùng với Chile, Israel, Estonia và Slovenia, Nga cũng có tên trong danh sách được đàm phán gia nhập OECD từ năm 2007, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ các yêu cầu của tổ chức này. Nền kinh tế Nga lớn thứ 12 thế giới, nhưng GDP bình quân đầu người chỉ xấp xỉ 8.700 USD.

Theo đánh giá của Tổng Thư ký OECD Angel Gurria, sự góp mặt của Israel, Estonia, Slovenia và Chile như là thành viên đầy đủ trong năm nay sẽ làm cho OECD thêm đa dạng và cởi mở, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cơ cấu kinh tế toàn cầu. Ông còn nhấn mạnh việc được mời gia nhập OECD là một phần thưởng cho những nỗ lực đã cam kết của các nước này trong quá trình cải cách kinh tế, đấu tranh chống tham nhũng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bộ trưởng Tài chính Israel Youval Steinitz mô tả vé mời gia nhập OECD là “một thành công lịch sử của Israel”, ghi nhận sự tiến bộ vượt bật của nước này về phát triển kinh tế trong 4 năm qua, bất chấp tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức ủng hộ Palestine cho rằng việc để Israel gia nhập là vi phạm cam kết của OECD về quyền con người, bởi nhà nước Do Thái đang chiếm đóng khu Bờ Tây cũng như cách hành xử của nước này với người Palestine. Họ tố cáo chính quyền Tel Aviv không chỉ chiếm đóng bất hợp pháp đất đai của người Palestine mà còn phân biệt chủng tộc đối với công dân Israel gốc A-rập trong nhiều thập niên qua. Ông Avi Simhon, giáo sư kinh tế đang công tác tại Đại học Hebrew (Israel), cũng cho rằng mục tiêu gia nhập OECD của Israel là vì vấn đề chính trị chứ không phải kinh tế. Còn Tổng Thư ký Gurria mặc dù cho biết vấn đề chính trị và tình hình căng thẳng tại Trung Đông không nằm trong chương trình nghị sự bàn việc kết nạp thành viên của OECD, nhưng thừa nhận tiến trình xin nhập của Israel kéo dài 16 năm qua là mang động cơ chính trị.

PHÚC NGUYÊN
(Theo AP, AFP, Reuters, Wikipedia)

20 nước thành viên đồng sáng lập OECD năm 1961 gồm: Áo, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ.

10 nước thành viên lần lượt gia nhập OECD từ năm 1964 đến năm 2000 gồm: Nhật Bản, Phần Lan, Úc, New Zealand, Mexico, CH Czech, Hungary, Ba Lan, Hàn Quốc và Slovakia.


Chia sẻ bài viết