21/02/2021 - 08:00

Bước ngoặt cho chủ nghĩa đa phương 

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa lần đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) và Hội nghị An ninh Munich (đều diễn ra trên nền tảng trực tuyến) với cam kết biến 2021 thành năm “bước ngoặt cho chủ nghĩa đa phương” và sự ủng hộ “không thể lay chuyển” đối với liên minh Ðại Tây Dương.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trực tuyến tại Hội nghị An ninh Munich, Đức hôm 19-2. Ảnh: AFP

Hội nghị thượng đỉnh G7 do Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì và Hội nghị An ninh Munich do Ðức tổ chức cùng diễn ra ngày 19-2.

Hợp tác ứng phó với COVID-19

Dưới kỷ nguyên Donald Trump của đảng Cộng hòa, các hội nghị thượng đỉnh G7 hay các tổ chức quốc tế khác đều không thể đưa ra được tuyên bố chung vì những bất đồng liên quan đến biến đổi khí hậu hoặc nguồn gốc gây ra đại dịch COVID-19. Lần này, lời hứa biến 2021 thành năm “bước ngoặt cho chủ nghĩa đa phương” của Tổng thống Biden từ đảng Dân chủ đã giúp hội nghị thượng đỉnh G7 có được tuyên bố chung với những cam kết đem đến hy vọng cho thế giới, bao gồm cam kết hỗ trợ cho các nước thu nhập thấp tiếp cận vaccine COVID-19.

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G7 cho rằng cống hiến của những người làm công tác thiết yếu ở khắp mọi nơi đã thể hiện những gì tốt đẹp nhất của nhân loại, trong khi việc nhanh chóng phát triển được vaccine phòng COVID-19 cho thấy sức mạnh trí tuệ của con người. Ðể phối hợp và cùng nhau củng cố Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như hỗ trợ nâng cao vai trò dẫn dắt và điều phối của tổ chức này, các nhà lãnh đạo G7 cam kết sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển và cung cấp vaccine trên toàn cầu; phối hợp để nâng cao năng lực sản xuất vaccine, bao gồm cả việc phê chuẩn cấp phép tạp thời; cải thiện việc chia sẻ thông tin, như việc giải mã gen các biến thể mới; thúc đẩy các hoạt động minh bạch, có trách nhiệm và sự tin tưởng đối với vaccine. Các nhà lãnh đạo G7 cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với tất cả các trụ cột của Chương trình Hợp tác Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A), dự án COVAX và quyền tiếp cận công bằng và hợp lý đối với vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán…

Các nhà lãnh đạo G7 cũng cho rằng COVID-19 đã cho thấy thế giới cần có những biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn trước những rủi ro đối với an ninh sức khỏe toàn cầu trong tương lai. Do đó, G7 sẽ làm việc với WHO, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và các tổ chức khác, đặc biệt là thông qua hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu tại Rome (Ý), để củng cố kiến trúc y tế và an ninh y tế toàn cầu nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các đại dịch.

Tại hội nghị, Tổng thống Biden cam kết Mỹ sẽ đóng góp 2 tỉ USD vào quỹ phòng chống COVID-19 trong năm 2021 và thêm 2 tỉ USD nữa trong 2 năm tiếp theo. Ðức đóng góp thêm 1,2 tỉ USD, sau khi đã hỗ trợ ban đầu 600 triệu USD. Tổng hỗ trợ của G7 cho ACT-A và COVAX đến nay là 7,5 tỉ USD.

Liên minh xuyên Đại Tây Dương trở lại

Ngay sau hội nghị G7, Tổng thống Biden có bài phát biểu được châu Âu kỳ vọng về việc củng cố quan hệ xuyên Ðại Tây Dương. Ông Biden là tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich và mở đầu bài phát biểu của mình với cam kết “nước Mỹ trở lại”, “liên minh xuyên Ðại Tây Dương trở lại”. Ông khẳng định quan hệ đối tác xuyên Ðại Tây Dương là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ và Washington sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tất cả các đối tác châu Âu cũng như với Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO). Ngoài ra, ông Biden cũng đề cập đến những tác động của đại dịch COVID-19 vốn đang đẩy thế giới rơi vào cảnh hỗn loạn và đe dọa các nền dân chủ. Ông nhấn mạnh chỉ thông qua hợp tác toàn cầu, các thách thức - trong đó có cuộc chiến chống biển đổi khí hậu - mới có thể được giải quyết và đảm bảo được các giá trị cũng như sự thịnh vượng chung. Ông Biden không để cập trực tiếp đến cựu Tổng thống Donald Trump, nhưng bài phát biểu của ông chủ Nhà Trắng thứ 46 của nước Mỹ cho thấy chính quyền mới đã và sẽ kiên quyết xóa bỏ di sản và đảo ngược nhiều chính sách gây tranh cãi của người tiền nhiệm, trong đó có việc rút một phần binh sĩ Mỹ khỏi nước Ðức, tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, khởi động lại thỏa thuận hạt nhân Iran, tài trợ và hợp tác với WHO…

Ðáp lại thiện chí của ông Biden, Thủ tướng Angela Merkel khẳng định Ðức sẵn sàng cho một chương mới trong quan hệ đối tác xuyên Ðại Tây Dương. Tuy nhiên, bà Merkel nhấn mạnh châu Âu và Mỹ cần có một nghị trình rõ ràng cũng như một cách tiếp cận chung trong các vấn đề quốc tế trên cơ sở đối thoại cởi mở, tôn trọng các giá trị, sự khác biệt và phải có niềm tin về một nền tảng chung tốt đẹp. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng châu Âu và Mỹ cần chung tay trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đi đến nhất trí về một khuôn khổ mới cho thị trường kỹ thuật số nhằm hạn chế sức mạnh của các công ty công nghệ lớn. Theo bà von der Leyen, cần phải đẩy mạnh cuộc chiến chống thù hận trên không gian mạng vì bạo lực kỹ thuật số cũng có thể biến thành bạo lực trong đời thực. Ðể giải quyết vấn đề này, bà von der Leyen tin tưởng EU và Mỹ có thể hợp tác thông qua một “bộ quy tắc kỹ thuật số” có giá trị toàn cầu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cập đến sự khác biệt giữa châu Âu và Mỹ, cũng như tính cấp thiết của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và việc cần xây dựng một “chương trình nghị sự mới trong vấn đề an ninh” với châu Âu gánh phần trách nhiệm nhiều hơn trong vấn đề quốc phòng để đạt được mức độ “tự chủ chiến lược”.

Thế giới cần trở lại đúng hướng

Cũng tại Hội nghị An ninh Munich, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres lên tiếng kêu gọi sự hợp tác toàn cầu để đưa thế giới trở lại đúng hướng trước vô số những thách thức. Ông Guterres nhấn mạnh các thách thức toàn cầu ngày càng lớn hơn và phức tạp hơn, song cách thức ứng phó với những vấn đề này vẫn còn rời rạc và không phù hợp. Ông cho rằng đại dịch COVID-19 đã phơi bày những vết nứt sâu và sự mong manh của thế giới, nhấn mạnh những lỗ hổng này thậm chí còn vượt xa cả tác động của đại dịch và vấn đề y tế cộng đồng. Ông viện dẫn một loạt các vấn đề nổi cộm mà thế giới đang phải đối mặt như thảm họa khí hậu đang rình rập; bất bình đẳng và phân biệt đối xử đang “xé toạc” cấu trúc xã hội; tham nhũng đang hủy hoại lòng tin; cuộc đấu tranh cho quyền của nữ giới gặp trở ngại; các mục tiêu phát triển bền vững đang bị chệch hướng; ngay cả cơ chế giải trừ vũ khí hạt nhân cũng đang bị xói mòn bất chấp việc Mỹ và Nga quyết định gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START). Ông kêu gọi: “Năm 2021 phải là năm để (chúng ta) trở lại đúng hướng. Phục hồi sau đại dịch là cơ hội của chúng ta”. Để thực hiện mục tiêu trên, Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các nước trên thế giới hành động trong 4 lĩnh vực gồm: triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa COVID trên toàn cầu; hành động vì khí hậu; kiến tạo và xây dựng hòa bình; cải thiện quản trị toàn cầu.

ÐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết