29/03/2012 - 21:40

BRICS gây dựng thế lực tài chính riêng

 Các nhà lãnh đạo cấp cao BRICS tại hội nghị thượng đỉnh ngày 29-3. Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 của nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã khai mạc tại Thủ đô New Delhi của Ấn Độ ngày 29-3. Từ một khối không chính thức và lỏng lẻo, BRICS đang vươn lên trở thành một thế lực gắn bó trên mặt trận chính trị, kinh tế, thương mại và tài chính.

Tân Hoa Xã hôm qua dẫn lời một quan chức ngân hàng Trung Quốc cho biết trong hai ngày diễn ra hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS sẽ chính thức thông qua thỏa thuận mở rộng tín dụng hoán đổi tiền tệ và thỏa thuận công nhận tín dụng thư đa phương cho phép các nước trong khối vay tiền bằng đồng nội tệ của nhau. Mục tiêu của hai thỏa thuận này là thúc đẩy thương mại, đầu tư và hỗ trợ phát triển như chủ đề chính của hội nghị là cam kết xây dựng “một đối tác vì sự ổn định, an ninh và thịnh vượng toàn cầu”.

Trong hơn một thập niên qua, thương mại trong nội bộ BRICS đã tăng trung bình 28%/năm, đạt 280 tỉ USD năm 2011 và đang phấn đấu nâng kim ngạch lên 500 tỉ USD vào năm 2015. Năm quốc gia thuộc BRICS chiếm 45% dân số toàn cầu và có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, hợp thành một thị trường khổng lồ để các nước thành viên khai thác. Hỗ trợ nhau xóa đói giảm nghèo, chăm sóc y tế và chống biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng và chia sẻ công nghệ-kỹ thuật cao cũng là những vấn đề quan tâm hợp tác của BRICS. Trong các lĩnh vực này, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là một tiềm năng mang lại lợi ích cực lớn. Chẳng hạn, Ấn Độ đang mời gọi các nước trên thế giới đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 70 tỉ USD trong vòng 5 năm tới.

Vốn đầu tư không phải là vấn đề khó khăn của BRICS. Ngoài tổng GDP (13.500 tỉ USD) chiếm 1/4 nền kinh tế thế giới, BRICS còn đang sở hữu nguồn dự trữ ngoại tệ trị giá hơn 4.380 tỉ USD, trong đó Trung Quốc có gần 3.200 tỉ USD, Nga gần 500 tỉ USD, Brazil 357 tỉ USD, Ấn Độ 296 tỉ USD. Do đó, hồi tháng 2 vừa qua, các Bộ trưởng Tài chính của khối đã đề xuất ý tưởng thành lập một ngân hàng phát triển chung có chức năng tương tự như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay kể cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ấn Độ là nước tiên phong đưa ra sáng kiến này, cho rằng một ngân hàng chung như vậy sẽ tạo cơ hội để BRICS trở thành một liên minh tài chính có đầy đủ quyền lực trong việc đưa ra các quyết định mang tính toàn cầu, phù hợp với vị thế của BRICS trong một thế giới đa cực ngày nay.

Dư luận báo chí phương Tây cho rằng mô hình hợp tác thương mại và tài chính của BRICS chỉ mang lại lợi ích cho Trung Quốc khi đồng nhân dân tệ bị ghìm ở mức thấp tạo ra sự cạnh tranh thương mại bất bình đẳng cho các nước khác. Tuy nhiên, Bộ trưởng Công thương Brazil Fernando Pimentel hôm 28-3 tuyên bố chính sách tiền tệ không công bằng của các nước giàu mới gây ra cuộc đối đầu căng thẳng hiện nay về vấn đề mất cân bằng kinh tế toàn cầu. Ông cáo buộc chính biện pháp cho vay lãi suất thấp và trái phiếu chính phủ khổng lồ của Mỹ và châu Âu mới gây ra cơn “sóng thần tiền tệ” tác động mạnh đến thế giới.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết