20/09/2021 - 08:22

BRI có thêm đối trọng 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen vừa thông báo khởi động kế hoạch đầu tư phát triển giao thông và hạ tầng quốc tế mang tên “Kết nối toàn cầu” nhằm đối trọng với sáng kiến “​​Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc - mạng lưới đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông khổng lồ, có ảnh hưởng địa chính trị mà Bắc Kinh sử dụng để liên kết các nhà xuất khẩu trong nước với các thị trường ở phương Tây.

Cảng nước sâu Hambantota được Sri Lanka cho Trung Quốc thuê 99 năm. Ảnh: SCMP

“Chúng tôi muốn biến “Kết nối toàn cầu” thành một thương hiệu đáng tin cậy trên toàn thế giới. Chúng tôi sẽ xây dựng quan hệ đối tác “Kết nối toàn cầu” với các quốc gia trên toàn cầu, đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng, kết nối hàng hóa, con người và dịch vụ trên toàn thế giới. Chúng tôi muốn tạo ra liên kết chứ không muốn phải phụ thuộc” - bà Leyen nhấn mạnh.

Một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho hay, kế hoạch trên sẽ cung cấp cho các nước thu nhập thấp nguồn tài chính trong các dự án “minh bạch và dựa trên giá trị”, vượt qua các dự án cơ sở hạ tầng thuộc BRI. Chiến lược mới được Brussels đưa ra trong bối cảnh một số nước nhận đầu tư phàn nàn về các điều khoản nợ khắc nghiệt của Bắc Kinh cũng như các vấn đề về môi trường mà BRI mang lại. Ðại sứ Ðức tại EU Michael Clauss ca ngợi sáng kiến này giữ vai trò “rất quan trọng để định hình toàn cầu hóa theo cách của châu Âu”. Bà Lyyen cũng giải thích rõ: “Chúng tôi có năng lực tốt trong việc đầu tư tài chính cho các con đường. Nhưng việc xây dựng một con đường hoàn hảo giữa mỏ đồng thuộc sở hữu của Trung Quốc và bến cảng do Trung Quốc sở hữu là không có ý nghĩa gì đối với châu Âu. Chúng ta phải trở nên thông minh hơn khi đến với các loại đầu tư này”.

Không chỉ EU đưa ra các sáng kiến nhằm đối đầu với BRI. Nhật Bản và Ấn Ðộ hồi năm 2017 cũng đã bắt tay phát triển một dự án chung gọi là Hành lang Tăng trưởng Á - Phi (AAGC), được Tokyo cam kết hỗ trợ 200 tỉ USD, nhằm chống lại tham vọng quốc tế của Trung Quốc.

Mục tiêu của AAGC là hội nhập tốt hơn các nền kinh tế của Nam Á, Ðông Nam Á và Ðông Á với châu Ðại dương và châu Phi, tăng cường phát triển và kết nối giữa châu Á và châu Phi. Ý tưởng này là nhằm tạo ra một khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở bằng cách khám phá lại các tuyến đường biển cổ đại và hình thành các hành lang biển mới.

Theo tạp chí Forbes, một trong những mục tiêu chính của AAGC là làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi, nơi được cho sẽ là mặt trận phát triển tiếp theo khi mà nền kinh tế của nhiều nước tại đây tăng trưởng ở mức từ 7-10%/năm, từ đó New Delhi và Tokyo mới có thể có tiếng nói lớn hơn.

Trong khi đó, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng chính phủ Nhật và Úc đang tái khởi động sáng kiến hạ tầng “Mạng lưới Chấm Xanh (BDN)” sau 2 năm “ngủ đông” nhằm tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng một cách “bền vững”. BDN là kết quả của sự hợp tác giữa Cơ quan Quản lý Ðầu tư tư nhân nước ngoài của Mỹ, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Bộ Ngoại giao - Thương mại Úc.

BDN không nhằm mục đích trở thành nguồn cung tài chính cho một dự án mà thay vào đó sẽ là hệ thống chứng nhận và đánh giá được công nhận toàn cầu dành cho dự án về cơ sở hạ tầng, với tầm nhìn tập trung vào khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. BDN hướng tới các dự án đáp ứng các tiêu chuẩn minh bạch và bền vững, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng ở các thị trường mới nổi. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien từng nói rằng BDN sẽ giúp chống lại các dự án “chất lượng không cao” đã khiến nhiều quốc gia rơi vào bẫy nợ, cụ thể là các dự án do BRI tài trợ.

Chính quyền ông Biden cũng tranh thủ sự hỗ trợ từ các đối tác Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương lớn khác, đặc biệt là Ấn Ðộ - quốc gia đã tẩy chay BRI - và  Hàn Quốc - nước đang mở rộng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài theo “Chính sách hướng Nam” mới.

Trong khi đó, hồi tháng 6-2021, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) được tổ chức tại Anh đã đưa ra sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” với mục tiêu triển khai gói tài chính lên đến 40.000 tỉ USD xây dựng cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển đến năm 2035. Giới phân tích nhận định mục tiêu của Mỹ là thành lập “G10”, gồm G7 cùng  Úc, Ấn Ðộ và Hàn Quốc, nhằm cạnh tranh với BRI của Trung Quốc.

Từ lâu, Trung Quốc bị cáo buộc mở rộng phạm vi chiến lược thông qua BRI, đồng thời khiến các nước nhận đầu tư “phụ thuộc” vào Bắc Kinh lâm vào “bẫy nợ”, buộc phải thế chấp tài sản. Chẳng hạn, Sri Lanka hồi năm 2017 đã phải cho Trung Quốc thuê dài hạn 99 năm cảng nước sâu Hambantota để “khất” khoản nợ 1,1 tỉ USD. Trước đó, Bắc Kinh cho Colombo vay 1,5 tỉ USD để xây dựng cảng này.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết