09/08/2012 - 21:13

Hội chứng ống cổ tay

Bệnh của những người thường xuyên sử dụng cổ tay, bàn tay

Hội chứng ống cổ tay thường gặp ở người sử dụng nhiều động tác cổ tay  và bàn tay như công nhân xây dựng. Ảnh: HUỆ HOA

Khi bị đau tê dị cảm từ cổ tay xuống đến các ngón tay, đặc biệt thường xảy ra vào ban đêm, phần tê nhiều nhất là 3 ngón tay (ngón cái, trỏ và giữa), nửa ngón nhẫn có thể bạn bị hội chứng ống cổ tay (HCOCT). Đến nay, theo thống kê của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh năm 2004 (400 bệnh nhân) không tìm ra nguyên nhân của bệnh... nhưng bệnh thường gặp ở những người làm việc sử dụng nhiều động tác cổ tay và bàn tay như nhân viên văn phòng, công nhân xây dựng, thợ may thêu ...

* Dễ chẩn đoán nhầm

Bệnh nhân L.H, 55 tuổi, ở quận Cái Răng kể: “Tôi bị tê buốt 2 bàn tay. Mỗi lần làm bếp, tay nhiều khi tê buốt, làm rớt bể đồ đạc, đêm nhức không ngủ được. Tôi đi khám ở nhiều bệnh viện lớn nhưng bác sĩ chẩn đoán là bị tê nhức khớp, tôi uống thuốc gần nửa năm mà không hết, chuyển sang uống thuốc nam cũng không hết... ròng rã hơn 1 năm trời, đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, khám bác sĩ y học cổ truyền, rồi bác sĩ ngoại, nội... cũng không hết. Một hôm, tôi xem trên tivi thấy chiếu về HCOCT, giống hệt triệu chứng bệnh của tôi. Bác sĩ trên tivi khuyên bệnh nhân đến khám ở bác sĩ chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình. Sau đó, tôi đến khám tại phòng khám Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Sau khi khám, đo điện cơ, bác sĩ chẩn đoán tôi bị HCOCT (cả hai tay). Sau khi bác sĩ mổ khoảng 2 tuần, tay tôi giảm tê nhức đến 90%. Sau thời gian tập luyện, hiện nay, tôi đã sinh hoạt bình thường”.

Nguyên nhân do bị chèn ép dây thần kinh giữa ở cổ tay gây nên HCOCT. Bệnh nhân thường đau, tê cứng 3 ngón tay (cái, trỏ và ngón giữa) và nửa ngón nhẫn do thần kinh giữa chi phối nhưng cũng có lúc tê cả bàn tay. Chứng tê này thường xuất hiện về đêm, có thể đánh thức bệnh nhân dậy và giảm đi khi nâng tay cao hoặc vẫy cổ tay như vẫy nhiệt kế. Đau và tê tay có thể lan lên cẳng tay, khuỷu hoặc vai. Trong ngày, khi phải vận động cổ tay, ngón tay nhiều thì tê xuất hiện lại. Lúc đầu tê có cơn và tự hết mà không cần điều trị. Sau đó cơn tê ngày càng kéo dài. Có những bệnh nhân bị tê rần suốt cả ngày. Sau một thời gian tê, người bệnh có thể đột nhiên bớt tê nhưng bắt đầu thấy việc cầm nắm yếu dần hoặc bị run tay, viết khó, dễ làm rớt đồ vật. Bệnh này thường xảy ra ở nữ giới, chiếm trên 90% và ở độ tuổi từ 40-60. Bệnh này có thể bị chẩn đoán nhầm bệnh lý cột sống cổ gây chèn ép thần kinh làm tê tay. Theo bác sĩ Huỳnh Thống Em, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ: “Để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ khai thác kỹ bệnh sử, thói quen sinh hoạt, biểu hiện của bệnh. Ngoài ra sử dụng xét nghiệm, đo điện cơ, siêu âm để chẩn đoán bệnh. Kết quả của đo điện cơ chẩn đoán chính xác bệnh khoảng 60-70%, siêu âm cũng giúp chẩn đoán vì siêu âm có thể đánh giá được thần kinh giữa cổ tay bị chèn ép hay không? Ngoài ra, trong một số trường hợp, nếu có nghi ngờ bệnh nhân bị thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cổ cần chụp MRI để loại trừ”.

* Phát hiện sớm-cơ hội khỏi hoàn toàn

Khi đã chẩn đoán chính xác được bệnh thì việc điều trị tương đối nhẹ nhàng. Theo bác sĩ Huỳnh Thống Em: “Với bệnh nhân phát hiện bệnh sớm (trước 6 tháng kể từ khi có biểu hiện bệnh) điều trị nội khoa bao gồm thuốc kháng viêm không steroid, nẹp cổ tay, nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động cổ tay, nếu không thuyên giảm thì tiêm corticoid vài đợt, nếu không hiệu quả sẽ hướng tới phẫu thuật. Còn với bệnh nhân phát hiện sau 6 tháng thì chỉ có biện pháp phẫu thuật, điều trị nội khoa ít hiệu quả. Khi phát hiện bệnh sớm, điều trị nội khoa không đáp ứng thì phẫu thuật, khả năng phục hồi bàn tay của bệnh nhân tốt; còn nếu phát hiện trễ, dù có phẫu thuật cũng không phục hồi hoàn toàn.

Cũng chính vì phát hiện trễ mà chị B.N.M, quận Ninh Kiều, nhân viên văn phòng cũng bị HCOCT mất cơ hội phục hồi hoàn toàn. Bác sĩ Huỳnh Thống Em, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết thêm: “Nếu bệnh nhân để quá lâu mới điều trị, ngón tay bị yếu, mô dưới ngón tay cái (trong lòng bàn tay) bị lõm, teo cơ thì phẫu thuật chỉ còn làm giảm tê buốt cho bệnh nhân, còn khả năng phục hồi teo cơ và vận động là không hoàn toàn”.

Theo các bác sĩ, thông thường ca phẫu thuật chỉ kéo dài khoảng 30 phút cho 1 bàn tay. Bác sĩ rạch một đường mổ nhỏ 2 cm ngay giữa cổ tay để giải phóng dây thần kinh khỏi bị chèn ép. Thủ thuật này chỉ cần gây tê tại chỗ. Sau mổ, bệnh nhân cần đưa tay lên cao để tránh phù nề, mang nẹp cổ tay từ 1-2 tuần, tập vận động các ngón tay (gập duỗi các ngón tay), không làm việc nặng thì sau 1-2 tháng có thể trở lại sinh hoạt bình thường. Sau 3 tháng mới làm việc nặng.

HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết